Vì sao năm Ất Tỵ có 2 ngày Lập xuân?

15/01 07:00
 

Dưới đây là một số điểm thú vị, đặc biệt của năm Ất Tỵ - năm con rắn, ứng với năm dương lịch 2025. Năm Ất Tỵ có đến 384 ngày Lịch âm được xây dựng dựa trên chu kỳ của Mặt trăng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày. Một năm Âm lịch thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn so với năm Dương lịch với 365 ngày. Để đảm bảo sự cân đối giữa Âm lịch và Dương lịch, cứ sau vài năm, lịch âm lại có một tháng nhuận, lặp lại một tháng nào đó trong năm, nâng tổng số...

Dưới đây là một số điểm thú vị, đặc biệt của năm Ất Tỵ - năm con rắn, ứng với năm dương lịch 2025.  

Năm Ất Tỵ có đến 384 ngày

Lịch âm được xây dựng dựa trên chu kỳ của Mặt trăng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày. Một năm Âm lịch thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn so với năm Dương lịch với 365 ngày. Để đảm bảo sự cân đối giữa Âm lịch và Dương lịch, cứ sau vài năm, lịch âm lại có một tháng nhuận, lặp lại một tháng nào đó trong năm, nâng tổng số tháng lên thành 13.

Ất Tỵ là năm nhuận tháng 6, nghĩa là chúng ta sẽ trải qua 2 tháng 6 Âm lịch trong năm, tổng số ngày lên đến 384 (từ ngày 29/1/2025 đến 16/2/2026 Dương lịch), dài hơn năm bình thường 30 ngày.

Năm Ất Tỵ có 2 lần đón Lập xuân

Ngày Lập xuân (ngày đầu của tiết Lập xuân) được xác định dựa trên sự thay đổi vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động theo quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc - khi kinh độ Mặt trời bằng 0 thì vị trí của điểm Lập xuân là kinh độ Mặt trời bằng 315 độ. 

Đây là thời điểm bắt đầu có sự tăng lên của ánh sáng và nhiệt độ, báo hiệu một chu kỳ sinh học mới bắt đầu. Những thay đổi này tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái tự nhiên, từ việc ra hoa, đâm chồi của thực vật đến hoạt động sinh sôi của động vật.

Năm Ất Tỵ khởi đầu với việc đón tiết Lập xuân vào 3/2/2025 Dương lịch, tức mùng 6 Tết. Vào cuối năm, chúng ta lại một lần nữa đón tiết Lập xuân vào ngày 4/2/2026 Dương lịch, tức ngày 17 tháng Chạp. Sở dĩ có hai lần Lập xuân trong cùng một năm là vì Ất Tỵ có thêm tháng nhuận, khiến năm Âm lịch này kéo dài. 

Tiết Lập xuân gắn liền với sự hồi sinh của thiên nhiên, là biểu tượng của sự sống và hy vọng; do đó việc tiết Lập xuân xuất hiện hai lần trong năm được coi là dấu hiệu may mắn và thịnh vượng.

Khởi đầu chuỗi 8 năm không có 30 Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ không có 30 Tết vì tháng Chạp năm Giáp Thìn chỉ có 29 ngày. Điều thú vị là từ đó cho đến Tết Nhâm Tý 2023 - 8 năm liền - chúng ta đón giao thừa sau khi ngày 29 Tết kết thúc. Phải đến Tết Nguyên đán Quý Sửu 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết.

Theo ThS Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả cuốn "Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI", việc tháng Chạp của năm nào đó có 29 hay 30 ngày không phải do sự sắp xếp chủ quan của người làm lịch, mà dựa vào xác định điểm sóc.

Sự xuất hiện các năm không có ngày 30 tháng Chạp không theo quy luật nhất định, do việc tính toán lịch dựa theo sự chuyển động của các thiên thể và Mặt trăng rất phức tạp. Mặt trăng bị ảnh hưởng nhiễu loạn bởi sức hút của Mặt trời, Trái đất và nhiều hành tinh khác, dẫn đến điểm sóc - liên quan đến tháng thiếu, tháng đủ - cũng dao động không theo chu kỳ nhất định nào.

Việc nhiều năm liên tiếp có hoặc không có ngày 30 Tết khá thường gặp. Chẳng hạn, 8 năm liền kể từ 2014 đến 2021, Tết Nguyên đán luôn có ngày 30 Tết. Sau đó là năm 2022 (Nhâm Dần) có tháng Chạp thiếu, năm 2023 (Quý Mão) và 2024 (Giáp Thìn) lại có tháng Chạp đủ. Tiếp theo là 8 năm liền kết thúc năm Âm lịch bằng ngày 29 tháng Chạp.

Đọc bài gốc tại đây.