Những dịp cận Tết Nguyên đán các lò nung đất tại làng Địa Linh (TP. Huế) vẫn ngày đêm đỏ lửa, cho ra những khuôn hình ông Táo chất lượng nhất để có hàng kịp phục vụ khách đặt hàng. Làng Địa Linh là ngôi làng cổ nay thuộc phường Hương Vinh (quận Phú Xuân, TP Huế). Đây ngôi làng duy nhất ở cố đô Huế còn giữ được nghề đúc tượng ông Táo. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời và được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu. Theo người dân làng Địa Linh, để...
Những dịp cận Tết Nguyên đán các lò nung đất tại làng Địa Linh (TP. Huế) vẫn ngày đêm đỏ lửa, cho ra những khuôn hình ông Táo chất lượng nhất để có hàng kịp phục vụ khách đặt hàng.
Làng Địa Linh là ngôi làng cổ nay thuộc phường Hương Vinh (quận Phú Xuân, TP Huế). Đây ngôi làng duy nhất ở cố đô Huế còn giữ được nghề đúc tượng ông Táo. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời và được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu.
Theo người dân làng Địa Linh, để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn công phu, người thợ phải khéo tay, tỉ mỉ.
Đầu tiên, chuẩn bị nguyên liệu là đất sét, trộn với nước để tạo độ mềm dẻo, sau đó chia thành từng khối nhỏ. Tiếp đến, nhồi kỹ đất sét để đảm bảo độ mềm, nhão và mịn.
Sau khi đất sét đạt yêu cầu, người thợ dùng khuôn gỗ lim để đúc tượng. Đất sét được cho vào khuôn, nén chặt và gạt bỏ đất thừa. Tiếp đó, tượng chêm thêm đất và tạo bề mặt để tượng đứng thẳng.
Sau khi tượng được phơi khô cứng thì sẽ được cho vào lò để nung đỏ như gạch. Để nung, người thợ đốt trấu và xếp xen kẽ vụn gạch nhỏ giữa các tượng để tạo khoảng cách, đảm bảo tượng không bị vỡ trong quá trình nung.
Tượng sau nung sẽ được đưa ra để cho nguội trước khi tô màu thành phẩm.
Chị Võ Thị Hằng (32 tuổi, trú làng Địa Linh) cho biết, ngày thường thì ít việc, nhưng đến tháng Chạp, nhà nào cũng làm không kịp, mỗi ngày phải làm vài trăm tượng mới đủ cung cấp cho thị trường. Tượng ông Công, ông Táo được người ở nhiều địa phương đặt mua.
Những tượng ông Công, ông Táo thành phẩm ở làng Địa Linh chuẩn bị được giao cho lái buôn đưa đi nhiều địa phương trong và ngoài TP Huế để bán cho khách hàng.
"Để giữ được khách hàng, công việc đúc tượng ông Táo của gia đình phải duy trì quanh năm, đến những ngày cận tết lượng khách hàng càng nhiều, công việc trở nên vất vả hơn nhiều. Ngày nào cũng đều đều dậy từ 4h sáng rồi quần quật cả ngày mới kịp cho khách”, một thợ làm tượng ông Công, ông Táo ở làng Địa Linh chia sẻ.
Theo chị Võ Thị Hằng, cả năm nay, gia đình chị ra lò khoảng 50.000 tượng ông Táo, xếp thành 500 thùng, mỗi thùng có 100 tượng để xuất bán. Nghề làm tượng tuy vất vả nhưng lại mang lại thu nhập không quá cao, chỉ 1-2 trăm nghìn đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, đây lại là thu nhập chính của những người làm nghề ở Địa Linh để có tiền đón Tết Nguyên đán.
23 tháng Chạp, theo quan niệm dân gian, là thời điểm Táo Quân cưỡi cá chép về trời. Đây là dịp người Việt tỏ lòng biết ơn đến vị thần, cầu mong sự ấm no, đủ đầy trong năm mới. Bàn thờ ông Táo thường được chuẩn bị chu đáo với mâm cỗ gồm hoa quả, bánh kẹo, vàng mã và không thể thiếu ba tượng ông Công, ông Táo bằng đất nung. Các tượng này được thay mới hàng năm, thể hiện lòng thành kính.
Đọc bài gốc tại đây.