Vụ chuyển 164 kg vàng qua đường ngoại giao hé lộ 'thế giới ngầm' buôn lậu

04/05 08:59
 

Tháng 7/2020, một kiện hàng đóng dấu miễn trừ ngoại giao UAE được khui tại sân bay quốc tế Trivandrum trước sự chứng kiến của quan chức đôi bên, ở trong là 30 kg vàng 24 carat.

Ngày 30/6/2020, theo tin báo nặc danh, các quan chức Hải quan tại Sân bay Quốc tế Trivandrum, bang Kerala, đã tạm giữ một hành lý ngoại giao đóng dấu UAE vì nghi buôn lậu.

Nhưng theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao, chính quyền nước tiếp nhận không được mở kiện hàng ngoại giao ngay cả khi họ có nghi ngờ về hàng hóa bên trong. Túi chỉ được mở khi có mặt quan chức hoặc nhà ngoại giao của nước còn lại.

Kiện hàng khả nghi, vì thế đã được giữ nguyên đai nguyên kiện suốt 5 ngày tại khu an ninh để chờ thông quan. Nhưng ngày 5/7/2020, chiếc túi đã được mở trước sự chứng kiến của một quan chức cấp cao của văn phòng cao ủy ở Delhi và viên chức lãnh sự quán có tên trên hành lý. Trong túi là nhiều thỏi vàng nguyên khối, loại 24 carat nguyên chất quý hiếm nhất, nặng tổng 30 kg, ngụy trang trong nhiều thiết bị phòng tắm.

Đại sứ quán UAE tại Ấn Độ khẳng định các nhân viên ngoại giao của mình không liên quan.

Vụ buôn lậu được Bộ Nội vụ Ấn Độ giao cho Cơ quan Điều tra Quốc gia (NIA) tiếp tục theo dõi. Các quan chức Ấn Độ cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vụ buôn lậu quy mô lớn như vậy xảy ra dưới danh nghĩa cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Cuộc điều tra sâu hơn đã dẫn đến bắt giữ và kết án đường dây buôn lậu vàng qua đường ngoại giao, trong đó, nhân tố chính được xác định là một nữ quan chức ngoại giao cấp cao của lãnh sự quán UAE tại Kerala.

Swapna Suresh phụ trách mảng Công nghệ thông tin của lãnh sự quán từ năm 2016, "đã bị sa thải trước khi vụ án xảy ra", như thông cáo của lãnh sự UAE.

Cô bị NIA cáo buộc giả mạo hồ sơ Lãnh sự để các kiện hàng chứa vàng lậu được có hồ sơ miễn trừ ngoại giao tại các máy soi chiếu tại sân bay. Cô được trả 10.000 USD cho mỗi cân vàng buôn lậu trót lọt, và thêm 50.000 USD thưởng cho mỗi phi vụ nói chung.

Ông trùm Rameez và một số anh em tay sai bị bắt sau đó vài ngày. Rameez bị cáo buộc điều hành đường dây giao dịch lậu tỷ USD và có "lá chắn" là quan chức cao cấp.

Tại tòa án tháng 10 cùng năm, đôi bên đều tố nhau "lừa đảo" đồng bọn. Rameez bị cho là luôn nói giảm số lượng vàng lậu để đỡ phải chi nhiều hoa hồng cho Swapna Suresh. Trong khi chính anh ta cũng cáo buộc Swapna Suresh đã nói dối giấy tờ thông quan đều có được do Tổng lãnh sự UAE cấp cho để đòi thêm 1.000 USD cho mỗi cân vàng.

Thực tế, cơ quan điều tra kết luận, Tổng lãnh sự không hề biết sự việc và số tiền vòi thêm, nữ bị cáo đã đút túi riêng.

Cơ quan Hải quan Ấn Độ cho biết, trong vòng một năm trước khi bị triệt phá, nhóm này đã 21 lần buôn lậu vàng trót lọt, tổng khối lượng 164 kg.

Tất cả chuyến hàng đều được thực hiện thông qua sân bay quốc tế Trivandrum mà không bị nghi ngờ gì, nhờ vào "kim bài miễn tử", là những giấy tờ miễn trừ cho hành lý ngoại giao mà Swapna Suresh kiếm được.

Bang Kerala chiếm 35% lượng vàng tiêu thụ của Ấn Độ, cũng là địa bàn "nóng" của nạn buôn lậu vàng với hơn 1.000 vụ bắt giữ, tổng khối lượng tang vật 700-800 kg mỗi năm. Một quan chức hải quan bang cho biết: "Buôn lậu vàng là hoạt động kinh doanh sinh lợi nhất mà Kerala từng chứng kiến".

Các nhà điều tra đánh giá, hoạt động buôn lậu vàng ở Kerala liên quan đến hàng trăm "người vận chuyển", thợ kim hoàn và được tạo điều kiện thuận lợi bởi một số quan chức tham nhũng.

Vụ án này cũng không ngoại lệ. Ngoài những bị cáo thuộc đường dây của Rameez và nữ quái Swapna Suresh, một quan chức cao cấp khác cũng vướng vòng lao lý. Ông M.Sivasankar, thư ký của Thủ hiến bang Kerala, bị cáo buộc có "quan hệ" với Swapa, từng đi du lịch nước ngoài cùng nhau và nhận những túi đầy tiền mặt cô ta "bỏ quên" tại phòng làm việc của ông này.

Trước sức ép dư luận, ông bị buộc đình chỉ chức vụ tháng 7 cùng năm. Văn phòng Thủ hiến phủ nhận liên quan vụ án. Cơ quan Hải quan cáo buộc M.Sivasankar biết về tất cả các hoạt động bất hợp pháp của nhóm buôn lậu nhưng vẫn "nhắm mắt và nhận tiền".

Cơ quan Hải quan cuối tháng 11/2023 vừa qua đã đưa ra mức phạt tiền với các bị cáo, tổng gần 8 triệu USD. Trong đó, vị thư ký này phải nộp 60.000 USD. Vụ án hình sự liên quan những người này, vẫn chưa được xét xử.

Lịch sử buôn lậu vàng sôi động hơn nửa thế kỷ

Những vụ án buôn vàng tính theo tạ kiểu này không phải lần đầu bị phanh phui. Cơ quan điều tra Ấn Độ đánh giá, tội phạm buôn lậu vàng ở Ấn Độ phát triển mạnh từ những năm 1960-1970.

Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thị trường vàng toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Quốc gia Nam Á này nhập khẩu khoảng 800-1.000 tấn vàng mỗi năm, 1/3 số này dùng cho các đám cưới.

Trong khi mức tiêu thụ hàng năm là khoảng hơn 1.000 tấn. Điều này có nghĩa, có tới 200 tấn vàng được nhập lậu vào Ấn Độ mỗi năm.

Sau độc lập (1947), tình trạng hao hụt ngoại hối càng trầm trọng. Bộ Tài chính ra Đạo luật kiểm soát vàng năm 1962, thu hồi tất cả khoản cho vay bằng vàng của các ngân hàng và cấm giao dịch kỳ hạn bằng vàng. Nhưng việc này không mang lại kết quả mong muốn.

Chính phủ cuối cùng đã đưa ra Đạo luật Kiểm soát Vàng năm 1968, cấm công dân sở hữu vàng dưới dạng thỏi và đồng xu. Tất cả số tiền vàng và thỏi vàng hiện có phải được chuyển đổi thành đồ trang sức và khai báo với chính quyền. Thợ kim hoàn không được phép sở hữu hơn 100 g vàng. Các đại lý được cấp phép không được sở hữu quá 2 kg vàng. Họ bị cấm giao dịch với nhau.

Song từ đây, thời đại "vàng chợ đen" lại nở rộ. Năm 1990, Nhà nước bãi bỏ lệnh cấm, song thị trường vẫn chưa dễ thở. Ngày nay việc nhập khẩu vàng phải gánh tới hơn 20% thuế, trong đó, thuế hải quan 12,5%, thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) 3% và thuế GST bổ sung tới 5% đối với sản xuất đồ trang trí bằng vàng.

Dữ liệu Ủy ban Thuế tiêu thụ đặc biệt và Hải quan Trung ương (CBEC) công bố cho thấy việc tăng thuế nhập khẩu đã kéo theo sự gia tăng tương ứng của buôn lậu vàng, phần lớn từ UAE.

Một lần nữa, thị trường vàng chợ đen lại trỗi dậy.

Hải quan nước này cho hay, những kẻ buôn lậu đang sử dụng những "cách sáng tạo" với thủ đoạn vàng nấu chảy thành những mảnh vụn hình hạt và giấu trong quả chà là hoặc viên nang, hay nghiền thành hạt và trộn với các kim loại khác để trông giống như quặng.

Đôi khi, vàng được chuyển thành khóa thắt lưng bằng vàng, pin đèn pin rồi giấu trong túi xách, quần áo và dạ dày của những kẻ buôn lậu. Các nhân viên của Tổng cục Tình báo Doanh thu (DRI) đã phát hiện hành khách giấu vàng trong đồ chơi, gói kẹo cao su, máy khâu, khung xe lăn và lót vali...

Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này có giá trị hơn 1 tỷ USD và thất thoát ít nhất 20 triệu USD doanh thu thuế cho các chính phủ. WGC ước tính 65–75% vàng lậu đến bằng đường hàng không, 20–25% bằng đường biển và 5–10% bằng đường bộ.

Nạn buôn lậu vàng sau đại dịch gia tăng đáng kể, chạm mức cao nhất trong 4 năm. Gần 4.000kg vàng nhập lậu bị thu giữ trong 11 tháng đầu năm 2023. DRI, một trong những cơ quan trung ương tinh gọn nhất với 800 nhân viên, đã phải tăng gấp đôi nhân lực để triệt phá các tập đoàn buôn lậu trong nước và quốc tế.

Đặc biệt là khi giá vàng gần đây liên tục lập đỉnh thì giá trị các vụ buôn lậu vàng, cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Tháng 7/2023, cảnh sát bắt vụ buôn lậu vàng "lớn nhất nhiều thập kỷ gần đây", với số tang vật tới 155 kg.

Cùng với các kỷ lục này, cũng ngày càng nhiều nhân viên hàng không và quan chức hải quan tại sân bay vướng lao lý vì tiếp tay tội phạm. 10 tháng cuối năm 2022 đầu 2023, tổng 29 quan chức hải quan, nhân viên hàng không bị truy tố trong các vụ buôn lậu vàng.

Hải Thư (Theo IndianExpress, Reuters, MDPI, India Today, The Print)

Đọc bài gốc tại đây.