Vụ xin chi 400 triệu đồng xử lý cây di sản chết khô, huyện nói lỗi do tham mưu

06/05 15:49
 

Khánh Hòa - Ngày 6.5, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn ký văn bản phản hồi Báo Lao Động liên quan đến thông tin...

Khánh Hòa - Ngày 6.5, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn ký văn bản phản hồi Báo Lao Động liên quan đến thông tin xin chủ trương chi 400 triệu đồng để chặt hạ, làm nhà bảo tồn thân cây, lát lại gạch nền và mua cây thay thế.

Thông tin dự chi 400 triệu đồng để xử lý cây di sản ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

Để phản hồi nội dung này, UBND huyện Khánh Sơn thông tin, vào tháng 4, xã Thành Sơn có tờ trình gửi huyện Khánh Sơn và Phòng Tài chính Kế hoạch. Tuy nhiên, tờ trình không gửi đến UBND huyện, chỉ gửi qua Phòng Tài chính Kế hoạch huyện.

Theo đó, xã Thành Sơn đề xuất chi 400 triệu đồng chặt hạ cây di sản đã chết; làm nhà bảo tồn thân cây, nhà tiền chế bằng khung thép, mái lợp tôn, kích thước dài 25m, cao 3,5m, rộng 5m; lát lại nền sân bằng gạch terrazzo sau khi chặt hạ làm vỡ nền sân; thay mới 4 bộ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.

Trong công văn phản hồi Lao Động, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - Cao Minh Vỹ cho rằng, đến thời điểm hiện nay Phòng Tài chính Kế hoạch huyện chưa tham mưu UBND huyện về kinh phí nêu trên và UBND huyện cũng chưa có chủ trương đầu tư kinh phí 400 triệu đồng để thực hiện các nội dung theo đề nghị của UBND xã Thành Sơn.

"Do đó, việc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Sơn căn cứ vào ý kiến của xã Thành Sơn... để tham mưu UBND huyện trong đó có nội dung “xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng” và “hiện tại địa phương đang cân đối nguồn vốn và bố trí kinh phí để thực hiện chặt hạ Cây Di sản trong năm 2024” là chưa có cơ sở" - trích công văn do ông Cao Minh Vỹ ký.

Một sự việc, Chủ tịch và cấp phó có ý kiến khác nhau

Sự việc huyện miền núi Khánh Sơn chi 400 triệu đồng xử lý cây di sản chết khô xuất phát từ công văn ngày 26.4, do ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - ký.

Trong công văn này, ông Nguyễn Quốc Đông giải thích, cây dầu rái đã chết là cây di sản cấp quốc gia nên cần phải xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng tiến hành các bước như chặt hạ cây, làm nhà bảo tồn thân cây, lát lại gạch nền sau khi chặt hạ làm vỡ nền, tìm mua cây con thay thế cây chết...

Mặc dù công văn do ông Nguyễn Quốc Đông ký đã được gửi cho các cơ quan báo chí nhưng khi trao đổi với Lao Động, ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho rằng, chưa có kết luận cụ thể về nội dung này và đang kiểm tra lại thông tin. Khi nào có kết luận chính thức sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.

Đọc bài gốc tại đây.