Vựa chế biến trái cây gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc

09/05 21:07
 

Vựa trái cây Sáu Thuộc, ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp lén lút xả thải ra kênh gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, trồng cây ăn trái khiến người dân bức xúc.

Vựa trái cây Sáu Thuộc do ông Nguyễn Thanh Nhã đứng tên đăng kí hộ kinh doanh hoạt động từ năm 2015, ngành nghề sản xuất và chế biến trái cây sấy khô, mua bán trái cây.

Tuy nhiên trong quá trình sản xuất chế biến trái cây, cơ sở này thải ra môi trường nước thải và cùi xoài gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu của các hộ dân sinh sống lân cận, bãi phế thải cùi xoài bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, ngụ ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, cho biết gia đình ông định cư nơi đây gần 30 năm, trước đó không có nhà máy, gia đình ông dùng nước kênh trước nhà tắm giặt sinh hoạt, bây giờ không dùng được nữa, xài nước máy rất tốn kém.

"Tôi mong muốn nhà máy đừng xả khói ra nữa, quạt máy hút trong nhà máy ra thổi qua làm cây xoài đóng bẩn không phát triển nổi, đừng xả thải ra rạch này nữa để giảm ô nhiễm", ông Đoàn nói.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lãnh đã có hai lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 5 -2023 mức 27,5 triệu đồng và tháng 12-2023 phạt mức 30 triệu đồng.

Tại thời điểm thanh tra, ông Nguyễn Thanh Nhã không thực hiện đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường; không lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp đó, ngày 22-4, Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lãnh kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh của ông Nhã thải nước thải chưa xử lý ra môi trường; đào một hố lưu chứa nước thải tạm dài 20m, rộng 8m, sâu 1,5m không đúng theo giấy phép môi trường.

Ngày 23-4, UBND huyện Cao Lãnh đã có báo cáo kiến nghị trình UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức 175 triệu đồng hành vi xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo quy định.

Bà Nguyễn Kim Nương - phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lãnh - cho biết ngành chuyên môn đang chờ quyết định mức xử phạt cao hơn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

"Hiện hộ kinh doanh đang từng bước khắc phục, thuê đơn vị tư vấn thiết kế lại hệ thống xử lý nước thải, làm lại hồ sơ", bà Nương nói.

Đọc bài gốc tại đây.