Xây dựng văn hóa an toàn lao động là điều bắt buộc phải làm

27/04 06:00
 

Năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công.

Năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết, tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công.

Năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ, 754 người chết, thiệt hại vật chất 14.117 tỉ đồng và 143.468 ngày công.

Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ làm 699 người chết, thiệt hại vật chất gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công. Đó là những con số khô khan chỉ tính 3 năm gần nhất cho thấy phần nào bức tranh về TNLĐ hiện nay, thiệt hại về người còn rất lớn.

Năm 2024 này, gần nhất là vụ tai nạn thương tâm tại Nhà máy Xi măng Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương. Trong đó có hai anh em ruột.

Hầu hết những người thiệt mạng trong các vụ TNLĐ đều là trụ cột trong gia đình. Nỗi ám ảnh sau mỗi vụ TNLĐ không chỉ là nỗi mất mát về tinh thần mà còn là tương lai, số phận mỗi thành viên trong gia đình.

Khẩu hiệu thường thấy tại mỗi công trường, mỗi nơi làm việc là “An toàn là trên hết”. Nhưng tại sao số vụ tai nạn vẫn nhiều, số người thương vong qua hàng năm vẫn lớn?

Nguyên nhân được chỉ ra là nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều NLĐ chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ.

Mỗi một vụ việc đã xảy ra, nhiều người hay đặt vấn đề “giá như”. Thế nhưng, để không có những chữ “giá như” đầy nuối tiếc thì việc đảm bảo an toàn lao động từ sớm, từ xa, lường trước các khả năng có thể xảy ra để phòng tránh là điều cần thiết. Mọi nỗ lực khắc phục sau tai nạn chỉ làm giảm thiểu thiệt hại mà nó gây ra.

Tại Chương trình Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động do Báo Lao Động tổ chức hằng năm thì các tiêu chí “đủ” để xét duyệt, ngoài lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bảo hiểm xã hội thì yếu tố ATVSLĐ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá.

Để có môi trường làm việc an toàn thì người sử dụng lao động và NLĐ phải chung tay xây dựng. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn lao động của người sử dụng lao động và NLĐ là quan trọng nhất. Chủ sử dụng lao động là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn lao động, TNLĐ.

Xây dựng văn hóa an toàn lao động là điều bắt buộc để không còn những vụ việc thương tâm, những thiệt hại về người và vật chất trong xã hội chỉ bởi sự thiếu quan tâm, hoặc chỉ là một giây phút, chủ quan, lơ là tại nơi sản xuất.

Chúng ta không chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần mà hy sinh những điều quan trọng, đặc biệt là không thể vì kinh tế mà coi nhẹ tính mạng, sức khỏe của NLĐ.

Đọc bài gốc tại đây.