Yên Bái phản hồi khúc mắc việc đặt tên xã sau sáp nhập

16/04 16:44
 

UBND tỉnh Yên Bái và các sở ngành đã lý giải những tranh cãi của người dân về việc đặt tên xã sau sáp nhập.

UBND tỉnh Yên Bái và các sở ngành đã lý giải những tranh cãi của người dân về việc đặt tên xã sau sáp nhập.

Thạp đồng Đào Thịnh chỉ mang ý nghĩa tham khảo

Nhiều tuần qua, người dân Yên Bái tranh cãi quanh câu chuyện sáp nhập xã Việt Thành và Đào Thịnh và lấy tên xã Thành Thịnh.

Nhiều người dân xã Đào Thịnh mong muốn được giữ lại tên xã - địa danh nơi phát hiện bảo vật quốc gia “Thạp đồng Đào Thịnh”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên, do gặp phải nhiều phản ứng khi xã nào cũng muốn giữ lại tên sau sáp nhập nên chính quyền địa phương thống nhất phương án lấy tên “Thành Thịnh” để giữ lại được một phần tên hai xã.

Thông tin đến PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, việc sáp nhập đơn vị hành chính là thực hiện theo Nghị quyết số 35 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên đến nay, nhiều người dân xã Đào Thịnh không đồng ý cái tên mới sau sáp nhập nên đã nhiều lần khiếu nại.

Theo vị này, có 3 cách đặt đến cho các xã sau sáp nhập đang được áp dụng hiện nay là: Đặt tên mới hoàn toàn, giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập và ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau.

“Các bước đặt tên xã mới không liên quan đến di vật, cổ vật hay bảo vật Quốc gia. Vì vậy, những vấn đề xoay quanh Thạp đồng Đào Thịnh cũng chỉ mang ý nghĩa tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định” - lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái nói và cho rằng - tên địa danh thay đổi hoàn toàn không làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

Theo tìm hiểu, Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 quy định đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính sau sáp nhập phải bảo đảm bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri, khuyến khích giữ lại một trong số các tên địa phương trước khi sáp nhập.

Được biết, giai đoạn I, tỉnh Yên Bái đã sáp nhập 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó việc đổi tên nhận được sự đồng thuận của người dân các địa phương. Trường hợp như xã Việt Thành và Đào Thịnh đến nay vẫn gây tranh cãi được đánh giá là hi hữu.

Chọn tên dựa trên số đông

Ngày 16.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết, đã nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc giữ gìn địa danh gắn liền với "Thạp đồng Đào Thịnh". Tuy nhiên việc chọn tên là dựa theo số đông người đồng ý.

“Việc có một nhóm nhỏ người dân còn thắc mắc đổi tên xã sau sáp nhập rất khó tránh khỏi. Phương án lựa chọn ban đầu của huyện Trấn Yên là theo tinh thần chỉ đạo tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương.

Chúng tôi khuyến khích việc sử dụng 1 trong 2 tên xã sau sáp nhập nhằm giảm một nửa người dân phải thay đổi, điều chỉnh các giấy tờ. Tuy nhiên người dân cả 2 xã đều không đồng thuận nên mới phải đổi tên mới”, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái nói.

Được biết, tên Thành Thịnh nhận được sự nhất trí 100% đến từ người dân xã Việt Thành và 65% người dân xã Đào Thịnh đồng ý.

Về ý kiến việc đổi tên xã sau sáp nhập sẽ gây mất thời gian và tiền bạc khi phải thay đổi giấy tờ, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cho biết - sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho người dân khi làm lại các thủ tục, giấy tờ.

Đọc bài gốc tại đây.