PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chia sẻ về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh lớp 12 cần có kế hoạch ôn tập cho riêng mình phù hợp với những môn thi đã lựa chọn theo quy định gồm môn toán, ngữ văn và các môn lựa chọn.
Hệ thống hóa kiến thức
* Theo ông, cách để học sinh ghi nhớ nội dung cốt lõi của môn học thế nào?
- Có nhiều cách để hệ thống kiến thức như lập bảng, vẽ sơ đồ, bản đồ tư duy hay làm đề cương tóm tắt những nội dung kiến thức quan trọng, cốt lõi theo cách mà các em thấy có thể dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Các em có thể làm dần ngay sau mỗi bài học hoặc sau mỗi chương, chủ đề để không dồn việc vào giai đoạn ôn tập "nước rút".
Khi hệ thống kiến thức, các em cần lưu ý làm rõ mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức cơ bản ở trong mỗi bài học, mỗi chủ đề, mỗi chương và giữa các chủ đề, các chương trong chương trình môn học.
Tiếp theo là hệ thống hóa những ứng dụng của kiến thức trong thực tế thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành trong chương trình môn học (có trong sách giáo khoa (SGK), sách bài tập và do giáo viên cung cấp, hướng dẫn).
Mỗi môn học, nhất là các môn khoa học tự nhiên, sẽ có hệ thống công thức, phương trình, mối liên hệ giữa các đại lượng thể hiện bằng công thức, biểu thức.
Khi ôn tập và làm các dạng bài tập, học sinh phải biết cách vận dụng công thức và biểu thức, biết liên hệ và suy luận. Nắm được cách triển khai một dạng bài có thể suy ra cách làm những bài dạng tương tự.
* Ông có lưu ý gì với học sinh khi năm nay là năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018?
- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành năng lực, phẩm chất người học và đề kiểm tra, đề thi cũng nhằm mục đích này. Vì vậy ở ngay giai đoạn ôn tập, học sinh cần ý thức được ở mỗi chủ đề/bài học, chương trình yêu cầu người học đạt được điều gì và nội dung được học có thể ứng dụng để giải quyết những vấn đề gì trong thực tiễn.
Các em cần lưu ý phải tự lực thực hiện việc hệ thống hóa kiến thức, chứ không sao chép của người khác hay nhờ người khác làm giúp.
Vì quá trình hệ thống hóa kiến thức chính là quá trình tự học để nắm vững kiến thức trong mối quan hệ với những kiến thức khác trong chương trình cũng như những ứng dụng của kiến thức trong thực tiễn, từ đó giúp học sinh ghi nhớ sâu và cũng hiểu được phần nào mình hiểu chắc chắn, phần nào còn yếu, còn chưa rõ để tự ôn tập thêm hoặc nhờ thầy cô hỗ trợ, giảng giải thêm.
Bên cạnh việc hệ thống kiến thức (lý thuyết), học sinh cần làm bài tập. Không cần làm số lượng quá nhiều, không làm những dạng bài nâng cao mang tính thách đố mà bám sát nội dung cốt lõi. Làm sao đảm bảo số lượng bài ít nhất có thể nhưng bao quát được tất cả các dạng/yêu cầu. Việc làm bài tập, thực hành là cách soi rọi lại phần kiến thức đã được hệ thống hóa trước đó.
Môn trắc nghiệm có ba dạng thức câu hỏi
* Theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT mới công bố, các môn thi trắc nghiệm đa dạng hơn về dạng thức câu hỏi so với đề thi năm trước. Học sinh cần ôn tập các dạng thức mới thế nào để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi?
- Theo cấu trúc đề thi đã được Bộ GD-ĐT công bố, các môn thi trắc nghiệm có ba dạng thức câu hỏi. Thứ nhất là dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn. Dạng này đã quen thuộc ở các kỳ thi trước. Hai dạng thức mới là câu hỏi điền đúng/sai và câu trả lời ngắn.
Các em học sinh cần lưu ý để làm tốt các dạng câu đúng/sai và câu trả lời ngắn, học sinh vẫn cần phải giải được câu hỏi đó như cách làm tự luận thì mới có thể có câu trả lời chắc chắn đúng, chỉ khác tự luận là không chép phần giải bài vào bài thi mà chỉ điền đúng/sai hoặc câu trả lời ngắn.
Vì thế học sinh cần hiểu rõ đề bài (câu hỏi), hiểu bản chất kiến thức và nắm được các bước để giải được chứ không có chuyện đoán mò hay vận dụng mẹo. Trong câu đúng/sai sẽ có 4 ý nhỏ, với mức điểm khác nhau chứ không chia đồng đều. Làm đủ và đúng 4 ý này mới được 1.0 điểm.
Tương tự, ở dạng câu hỏi ngắn, học sinh cũng cần hiểu rõ yêu cầu và giải được như cách làm tự luận. Đặc biệt ở dạng này, các câu hỏi có thể sẽ yêu cầu vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Để làm tốt các câu hỏi dạng mới, học sinh cần học thực sự, chắc chắn về kiến thức nền tảng và có kỹ năng làm tốt các dạng bài tập khác nhau.
* Môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ không sử dụng ngữ liệu có trong SGK, đây là một điểm mới khiến học sinh lo lắng. Ông có chia sẻ gì về việc ôn tập đối với thay đổi mới này?
- Trước hết tôi muốn nói về một chút hiểu nhầm trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Không phải bộ không cho phép các nhà trường sử dụng ngữ liệu trong SGK để ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ mà bộ chỉ khuyên các thầy cô không lệ thuộc vào ngữ liệu trong SGK để ra đề kiểm tra.
Việc ra đề với những ngữ liệu quen thuộc đã được thầy cô sử dụng làm phương tiện dạy học không có lợi cho học sinh. Vì thay vào việc đạt được yêu cầu mang tính cốt lõi thì học sinh chỉ học thuộc lòng, làm theo văn mẫu, viết theo cái thầy cô nói trên lớp. Điều này có nghĩa ở các bài kiểm tra trong nhà trường có thể sử dụng ngữ liệu trong hoặc ngoài SGK, làm sao kiểm tra được năng lực cần đạt của học sinh.
Tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng có thể đưa ra ngữ liệu nằm ngoài SGK. Nếu học sinh đạt được năng lực như yêu cầu của chương trình thì với ngữ liệu nào học sinh cũng sẽ làm được bài. Việc này sẽ làm thay đổi căn bản cách dạy, học cũng như ôn tập của học sinh: không tiếp cận từ nội dung ngữ liệu (tác phẩm văn học) mà từ yêu cầu cần đạt.
Không phải tới năm 2025 mà từ nhiều năm trước, phần đọc hiểu ở đề thi cũng đã sử dụng ngữ liệu nằm ngoài SGK. Học sinh có kỹ năng đọc hiểu tốt đều đạt yêu cầu ở phần này.
Có nên tham gia thi thử thi tốt nghiệp THPT?
* Nhiều học sinh chọn cách tham gia nhiều cuộc thi thử của trường cũng như các trung tâm luyện thi online. Theo ông, việc này có cần thiết không?
- Học sinh có thể tham gia thi thử do các trường tổ chức nhưng không nên quá nhiều. Các em cũng cần lưu ý không phải đề thi thử nào cũng bảo đảm sát với yêu cầu của chương trình. Vì vậy kết quả thi thử cũng có thể sẽ không phản ánh đúng khả năng của bản thân.
Nếu không xác định rõ điều này, các em có thể hoang mang lo lắng khi bị điểm thấp hoặc chủ quan khi có điểm cao. Cả hai trạng thái tâm lý này đều không tốt cho các em khi bước vào kỳ thi chính thức.
SGK là tài liệu chính
* Ngoài SGK, theo ông, học sinh cần tham khảo những tài liệu nào cho việc ôn tập?
- Các em có thể sử dụng tài liệu chính khi ôn tập là SGK, hệ thống câu hỏi và bài tập có trong SGK, vở ghi các bài học, các bài thực hành và đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố.
Sau khi học chắc nội dung cốt lõi của môn học, các em có thể tham khảo thêm tài liệu khác. Nhưng cần có thói quen sàng lọc xem các nội dung, bài tập trong tài liệu tham khảo mới có gì giống hay khác với hệ thống bài tập đã làm và cần bám sát chương trình cơ bản.
Các em cần chú ý tới các câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Những tình huống cuộc sống trong câu hỏi thi có thể không có trong sách, trong nội dung bài giảng nhưng khi đã nắm vững kiến thức cơ bản các em đều có thể đáp ứng được yêu cầu.
Cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để học sinh hình dung được về đề thi, thời gian làm bài, biết cách phân chia thời gian cho các nội dung, dạng thức câu.
Đọc bài gốc tại đây.