Đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng đột biến, Sở Giáo dục Nghệ An báo cáo 'nóng'

18/04 06:33
 

TPO - Sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực, số hộ đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm tại Nghệ An tăng đột biến, với gần 1.400 hộ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có báo cáo về việc rà soát tình hình dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 397 trường THCS và 91 trường THPT tổ chức dạy thêm trong nhà trường, đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, một trường tiểu học tại huyện Quỳ Châu cũng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao và kỹ năng sống cho học sinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có 2.302 lớp dạy thêm miễn phí trong nhà trường với sự tham gia của hơn 137.000 học sinh. Các lớp học này không thu phí, chủ yếu phục vụ học sinh chưa đạt yêu cầu, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp, với thời lượng 2 tiết/tuần/môn học.

Người dân đến đăng ký kinh doanh dạy thêm tại Trung tâm Giao dịch Một cửa thành phố Vinh

Hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường đang có xu hướng tăng mạnh. Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh ghi nhận 468 trung tâm giáo dục thường xuyên đang hoạt động, bao gồm các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, bồi dưỡng văn hóa, nghệ thuật, cùng 98 tổ chức kinh doanh giáo dục.

Đáng chú ý, có tới 1.396 hộ dân đã đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm qua Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, thành phố Vinh dẫn đầu toàn tỉnh với 838 hộ được cấp phép. Một số địa phương có số lượng cao như Yên Thành (150 hộ), Diễn Châu (99 hộ), Quỳ Hợp (47 hộ), Đô Lương (25 hộ). Riêng huyện Quỳ Châu chưa ghi nhận trường hợp nào đăng ký.

Các lớp dạy thêm ngoài nhà trường tập trung chủ yếu vào học sinh lớp 9 và lớp 12. Việc công khai thông tin các cá nhân, tổ chức có thu tiền cơ bản được thực hiện đúng quy định tại Thông tư 29. Giáo viên công tác tại các trường công lập nếu tham gia dạy thêm đều phải báo cáo và tuân thủ quy định.

Giáo viên huyện miền núi Nghệ An dạy thêm miễn phí cho học sinh

Tuy nhiên, quá trình triển khai Thông tư 29 tại Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở giáo dục buộc phải điều chỉnh kế hoạch dạy học, ảnh hưởng đến lịch ôn tập cho học sinh cuối cấp. Một số trường phải dừng đột ngột việc dạy thêm trong nhà trường, gây xáo trộn tâm lý cho học sinh và phụ huynh.

Ngoài ra, do Thông tư 29 chưa quy định rõ chế tài xử lý khi có sai phạm nên UBND cấp tỉnh rất khó cụ thể hóa trong ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn cũng như công tác thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có sai phạm, tính răn đe không cao.

Đọc bài gốc tại đây.