Đường sắt muốn nâng chất lượng, tăng tốc độ, cần đảm bảo chạy tàu thông suốt trước

18/04 06:30
 

Sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió ở đèo Cả, đoạn nối 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa xảy ra từ 12.4, đến nay vẫn chưa khắc phục xong, chưa thông tàu. Thiệt hại kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đã xảy ra rất lớn...

Sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió ở đèo Cả, đoạn nối 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa xảy ra từ ngày 12.4, đến nay vẫn chưa khắc phục xong, chưa thông tàu. Thiệt hại kinh tế và nhiều hệ lụy xã hội đã xảy ra rất lớn...

Chỉ 1 điểm sạt lở đất ở hầm Bãi Gió, giữa mùa nắng nóng miền Trung, nhưng đã gây ra lượng đất đá xấp xỉ 180m3, khiến đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt từ 12.4 đến nay. Nguyên nhân được xác định là do các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa, sạt xuống đường ray.

Với sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã phải huy động hơn 200 công nhân lao động, làm việc 3 ca luân phiên cả ngày lẫn đêm để khắc phục. Ngoài ra, ngành Đường sắt đã bố trí cả trăm lượt ôtô để trung chuyển hơn 3.000 người và hàng hóa mỗi ngày giữa 2 ga Nam, Bắc là ga Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa và ga Tuy Hòa, Phú Yên. Song hàng container vẫn ách tắc.

Đó là chưa kể thiệt hại ngoài ngành Đường sắt. Bởi ở đoạn này, đường bộ qua đèo Cả chạy phía trên hầm đường sắt, nên để an toàn hầm đang bị sự cố, đảm bảo tiến độ khắc phục, đường bộ qua đèo đã phân luồng, cấm ôtô. Các phương tiện không được phép qua hầm đường bộ như ôtô siêu trường siêu trọng, xe vận chuyển khí gas, xăng dầu... bị ách tắc 2 đầu đèo. Hàng vạn du khách dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 phải thay đổi lịch trình, phương tiện...

Đáng quan ngại là mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có đến 28 hầm đường sắt đang xuống cấp, thấm dột, ảnh hưởng khai thác chạy tàu. Trong đó, có đến 22 hầm trên tuyến Hà Nội - TPHCM. Phần lớn các hầm này đều xây dựng từ thời Pháp thuộc (1927-1935). Tuy ngành Đường sắt đã có kế hoạch sử dụng hàng nghìn tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa trong giai đoạn 2021-2025 nhưng sạt lở hầm đường sắt ở đèo Cả gây tê liệt lưu thông Bắc - Nam lần này là thêm một cảnh báo.

Ngành Đường sắt Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng, cải thiện hình ảnh, thu hút khách hàng. Điều đó có thể thấy qua việc ra đời các đoàn tàu, cung đường du lịch như Đà Lạt - Trại Mát, Đà Nẵng - Huế... Vận chuyển hàng hóa đường sắt cũng chiếm nhiều ưu việt, có lợi thế cạnh tranh không thua kém đường biển hay đường bộ. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng đường sắt Bắc - Nam hiện đã quá cũ kỹ, lạc hậu, xuống cấp, tồn tại nhiều khiếm khuyết,...

Vì vậy, muốn tăng tốc độ chạy tàu lên 200 - 350km/h hay cải thiện hình ảnh, hay nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng... thì trước mắt phải đảm bảo an toàn và thông suốt chạy tàu.

Khắc phục nhanh sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió ở đèo Cả để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành Đường sắt, cho xã hội là hết sức cần thiết. Nhưng rà soát hạ tầng, đặc biệt là 22 hầm đường sắt Bắc - Nam để chủ động sửa chữa, gia cố, phòng tránh các sự cố sụt trượt tương tự ở hầm Bãi Gió cũng hết sức cần kíp đối với ngành Đường sắt hiện nay.

Đọc bài gốc tại đây.