Với sự đấu tranh quyết liệt để phòng, chống tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa, nhiều nạn nhân bị mua bán đã được giải cứu, trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, hành trình hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng của những nạn nhân này còn gặp nhiều khó khăn.
Tâm lý mặc cảm
Do đời sống kinh tế - xã hội và nhận thức của nhân dân không đều, đặc biệt là tại một số xã còn nhiều khó khăn, nhiều phụ nữ đi làm ăn và lấy chồng sinh sống tại nước ngoài (hoặc là bị hại trong các vụ án mua bán người trước đây) hằng năm trở về địa phương đã lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, học vấn thấp, nhẹ dạ, cả tin... của người bị hại để tìm cách dụ dỗ, lừa phỉnh đưa người trái phép ra nước ngoài. Trong số đó có những người bị đẩy vào lầu xanh, ổ chứa, bị cưỡng ép bán dâm, bị hành hạ về thể xác, và đã có nhiều người mất tích không rõ lý do. Ngoài ra, trẻ em bị bán ra nước ngoài qua hình thức cho, nhận con nuôi của người nước ngoài cũng đang là vấn đề phức tạp, khó kiểm soát, gây mất an ninh - trật tự, an toàn xã hội...
Trong khi các đối tượng hoạt động mua bán người dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ, lôi kéo, khống chế ép buộc nạn nhân, thì về phía gia đình và xã hội lại thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dẫn đến nạn nhân dễ sa ngã vào tay bọn buôn người.
Ông Lê Đông Thuận, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, cho biết, dù là nạn nhân được giải cứu hay tự trở về đều được các cơ quan chức năng thông báo, trao đổi với địa phương để hỗ trợ ban đầu kịp thời. Song, do nạn nhân thường có tâm lý mặc cảm, e ngại không khai báo, hoặc che giấu không muốn mọi người biết về quá khứ của mình nên đã không trình báo với các cơ quan chức năng để tố giác tội phạm. Một số nạn nhân tự trở về không có giấy tờ pháp lý chứng minh là nạn nhân, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ...
Một tiểu phẩm truyền thông tại chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa |
Ngoài ra, mức hỗ trợ theo quy định thấp nên nhiều nạn nhân không nhiệt tình khai báo để được nhận hỗ trợ. Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm. Chưa quan tâm chỉ đạo công tác tiếp nhận, bảo vệ, xác minh và hỗ trợ nạn nhân. Công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng còn bỏ ngỏ...
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Chỉ tính trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xác minh qua các vụ án gồm có 19 nạn nhân, trong đó có 17 nạn nhân ngoại tỉnh và 2 nạn nhân trong tỉnh thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh. Dù đã có rất nhiều lời cảnh báo, nhiều vụ việc mua bán người được phanh phui, nhiều nạn nhân may mắn trở về đã lên tiếng nhưng vẫn có thêm nạn nhân mới bị lừa.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người, ngành chức năng cũng như các địa phương ở Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân; làm chuyển đổi hành vi cho các thành viên trong cộng đồng và ý thức rõ hơn về tác động tiêu cực cũng như thủ đoạn của bọn buôn người.
Ông Lê Đông Thuận, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, chia sẻ, nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ và nhu cầu của từng đối tượng và có những hoạt động tuyên truyền cho nhóm nam giới để họ dễ tìm được sự thông cảm cho nhóm phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Có như vậy, số phụ nữ và trẻ em sau khi bị buôn bán mới yên tâm trở về quê hương, nơi có gia đình, người thân và cộng đồng quen thuộc đang sinh sống. Bởi lẽ, đã có không ít phụ nữ ngại tai tiếng, sợ người thân gia đình không chấp nhận nên đã không về quê làm ăn mà tìm những nơi khác làm nghề và họ dễ rơi vào tình trạng có nguy cơ cao bị buôn bán trở lại.
Học sinh Trường THCS và THPT Quan Hóa tham gia cổ vũ Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội |
Ngoài ra, các địa phương tổ chức các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, nhất là những người trực tiếp làm việc với đối tượng có nguy cơ bị buôn bán, người tổ chức các đường dây đưa người đi làm. Tăng cường các hoạt động quản lý xã hội, quản lý di dân và cần có sự phối hợp tốt giữa các địa phương có người đến, người đi. Nếu sự giám sát của các cơ quan chức năng càng chặt chẽ thì tình trạng số người trở thành nạn nhân của các đường dây của bọn buôn người càng thấp. Cùng với đó, lồng ghép nội dung phòng chống mua bán người vào các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình kinh tế - xã hội khác ở địa phương. Và để ngăn chặn tận gốc vấn đề này, chính quyền các cấp cần quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Có chính sách thu hút đầu tư, thành lập các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ để tận dụng nguồn lao động tại chỗ, giảm hiện tượng di cư tự do. Tăng cường nguồn lực cho các hoạt động phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân... Có như vậy họ mới yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, hạn chế nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Thanh Hoá) cho biết thêm, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hình thức và chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm của người dân; xây dựng các mô hình, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng. Không tin tưởng vào những lời dụ dỗ về công việc nhàn hạ nhưng có thu nhập cao ở nước ngoài. Khi có nhu cầu xuất cảnh, cần đi bằng con đường chính ngạch để được bảo hộ hợp pháp cũng như đảm bảo quyền lợi bên nước ngoài.
Đọc bài gốc tại đây.