Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp

24/01 10:26
 

Trong thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, công tác phòng, chống mua bán người nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xây dựng kế hoạch giúp đỡ

Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động tập trung cho công tác phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Hội xác định loại tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em...

Các cấp hội đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành liên quan, nhất là lực lượng công an, bộ đội biên phòng để truyền thông, xây dựng các chương trình, mô hình cụ thể, đạt hiệu quả. Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, như lồng ghép sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, tọa đàm, giao lưu, truyền thông, diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật...; tổ chức “Phiên chợ vùng cao - Biên giới an toàn, không tội phạm mua bán người”; thường xuyên rà soát thống kê, nắm danh sách những đối tượng phụ nữ hoàn lương, phụ nữ bị buôn bán trở về để tổ chức thăm hỏi, phân công hội viên nòng cốt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh và xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với cộng đồng.

Lực lượng chức năng đa dạng các hình thức tuyên truyền về phòng chống tội phạm buôn bán người.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức diễn đàn, truyền thông phòng, chống mua bán người quy mô cấp tỉnh tương đối hiệu quả để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7”, giao lưu, chia sẻ xây dựng các mô hình truyền thông, tiểu phẩm về phòng, chống mua bán người, nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và người dân. Hội LHPN tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Hội Phụ nữ tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tăng quyền năng kinh tế và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em vùng giáp biên của hai tỉnh. Qua đó nâng cao nhận thức cho chị em, không di cư tự do, tỉnh táo trước những cám dỗ của các loại tội phạm, trong đó có nạn mua bán người qua biên giới.

Theo thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho hay, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy, đẩy mạnh hơn nữa các hình thức và chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm của người dân; xây dựng các mô hình, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền

Thời gian qua, lực lượng công an trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, triển khai các kế hoạch, phương án nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý, kiềm chế hoạt động tội phạm mua bán người và giải cứu nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, bằng nhiều hình thức kết hợp với vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Mặt khác, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho nạn nhân thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo...

Tiểu phẩm tuyên truyền được tổ chức tại các trường học.

Tính từ năm 2022 đến nay, hàng năm, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cấp phát 35.000 cuốn Thông tin phụ nữ Thanh Hóa có các nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm, tội phạm mua bán người cho các chi hội cơ sở. Thành lập và phát huy có hiệu quả Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh, Trung tâm Tư vấn - hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (nay là Trung tâm Hỗ trợ và phát triển phụ nữ Thanh Hóa) để giúp chị em nhận diện chính xác thủ đoạn của tội phạm mua bán người, phòng tránh bị lừa gạt mua bán sang nước ngoài...Hội LHPN cấp huyện, cấp cơ sở hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức diễn đàn về chủ đề phòng, chống mua bán người; duy trì và nhân rộng các loại hình, mô hình về phòng, chống tội phạm mua bán người có hiệu quả tại các địa phương, đơn vị, như: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, “Làng quê/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Đường dây nóng phát hiện và tố giác tội phạm”... Cùng với đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ và tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho nạn nhân trở về làm việc, ổn định cuộc sống.

Chị Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để chuyển biến về hành động cho hội viên, phụ nữ rất quan trọng. Do đó, hội tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Đồng thời tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tham gia các chương trình, tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề. Hội sẽ luôn đồng hành cùng các chị trong quá trình xây dựng lại cuộc sống. Chúng tôi khuyến cáo chị em hãy luôn cảnh giác, đề phòng trước những thủ đoạn tinh vi. Nếu chị em di cư lao động ra khỏi địa phương luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

Đọc bài gốc tại đây.