Tội phạm mua bán người không những gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân; xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự…
Vỏ bọc tuyển nhân viên cho quán karaoke
Tháng 7/2024, Công an huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng, gồm: Trần Hải Đăng (SN 2000) trú tại Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội; Đào Thị Trang (SN 1993) trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và Lê Thanh Hải (SN 1997) trú tại xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá về tội mua bán người dưới 16 tuổi…
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Thường Xuân phát hiện tài khoản facebook “Thanh Hải” có đăng bài tuyển lựa nhân viên phục vụ các quán hát karaoke trên địa bàn huyện Thường Xuân. Tiến hành xác minh những thông tin chia sẻ trên trang facebook này, Công an huyện Thường Xuân phát hiện người sử dụng tài khoản facebook “Thanh Hải” là Lê Thanh Hải ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân đang móc nối với một số đối tượng ngoài địa bàn tỉnh Thanh Hóa để trao đổi, mua bán một cháu gái dưới 16 tuổi với mục đích đưa ra nước ngoài lao động trái pháp luật.
Ba đối tượng (từ trái qua) Trang, Hải, Đăng |
Nhận thấy tính chất phức tạp của vụ việc, Công an huyện Thường Xuân đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra xác minh, làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một thời gian ngắn điều tra, Công an huyện Thường Xuân đã ngăn chặn kịp thời và bắt giữ 3 đối tượng Lê Thanh Hải, Đào Thị Trang và Trần Hải Đăng khi các đối tượng này đang thực hiện việc giao dịch mua bán cháu M.T.T.V (SN 2008) trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và đưa cháu M.T.T.V sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, do có nhu cầu tuyển nhân viên nữ để phục vụ các quán karaoke nên Lê Thanh Hải đã đăng bài lên mạng xã hội facebook và trên các hội, nhóm để tìm kiếm nhân viên phục vụ. Ngày 21/6/2024, cháu M.T.T.V ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (là nhân viên quán karaoke ở quận Đông Anh, TP.Hà Nội) đã liên hệ với Hải và nói đang nợ chủ quán karaoke 26 triệu đồng, muốn đi phải trả hết số tiền trên cho chủ quán. Sau đó Hải đã bỏ ra số tiền trên để chuộc cháu M.T.T.V về làm nhân viên quán hát cho mình.
Công an huyện Thường Xuân thực hiện biện pháp nghiệp vụ điều tra, phá án trên không gian mạng. |
Thủ đoạn không mới nhưng ngày càng tinh vi
Quá trình làm việc cho Hải, do công việc không ổn định nên cháu M.T.T.V đã lên mạng xã hội tìm việc làm và quen với Vũ Đình Quang (SN 2007) ở thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và được Quang rủ sang Campuchia để làm việc. Sau đó, Quang gọi điện cho Trần Hải Đăng ở Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội trao đổi về việc M.T.T.V có nhu cầu tìm việc làm và Đăng đã gọi điện cho Đào Thị Trang đang làm việc tại sòng bạc ở Campuchia liên hệ và thống nhất sẽ chuộc cháu M.T.T.V từ Lê Thanh Hải với giá 30 triệu đồng.
Sau khi đã thống nhất thoả thuận về giá cả, ngày 2/7/2024, Đào Thị Trang từ Campuchia về Việt Nam cùng Trần Hải Đăng thuê taxi chạy vào Thanh Hóa đón cháu M.T.T.V để cùng đi sang Campuchia. Khi các đối tượng chuẩn bị đưa cháu M.T.T.V lên xe vào Nghệ An để bay vào Thành phố Hồ Chí Minh thì bị Công an huyện Thường Xuân kịp thời phát hiện và bắt giữ. Mở rộng điều tra, Công an huyện Thường Xuân xác định, trước đó Lê Thanh Hải đã môi giới mại dâm cho Lê Đình Quân với người dưới 18 tuổi.
Theo công an tỉnh Thanh Hóa, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua, bán người tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, xảo quyệt; phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm “việc nhẹ lương cao”; môi giới lấy chồng nước ngoài; đẻ thuê núp bóng từ thiện nhân đạo; mua, bán nội tạng; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt… Trên thực tế, tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người hầu hết bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: do hạn chế về nhận thức trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm mua, bán người; trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình; ham lợi ích vật chất, thích “việc nhẹ lương cao”… là những nguyên nhân khiến một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thường Xuân, cho biết, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, chúng tôi thấy rằng số người dân sang Campuchia làm ăn, hầu như đều bị các đối tượng đưa vào hoạt động trong các sòng bạc hoặc đưa vào làm trong các nhóm liên quan đến lừa đảo. Thậm chí phụ nữ hoặc trẻ em gái có thể đưa vào hoạt động trong các ổ nhóm mại dâm. Hàng ngày các đối tượng quản lý chặt chẽ, thậm chí là sử dụng vũ lực để quản lý số nạn nhân này. Nếu muốn giải thoát thì các đối tượng có thể cho liên lạc với gia đình và đưa ra số tiền chuộc rất lớn.
Mặc dù lực lượng công an vẫn đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm mua bán người, thế nhưng theo cơ quan chức năng, vấn đề cốt lõi vẫn là bản thân mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đọc bài gốc tại đây.