Đề nghị mọi khách hàng được mua điện mặt trời trực tiếp, không cần qua EVN

07/05 06:30
 

VCCI đề xuất mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo ( điện mặt trời , điện gió) trực tiếp thay vì qua...

VCCI đề xuất mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) trực tiếp thay vì qua EVN.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Góp ý nội dung này, Liên đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định).

Về đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Điều 7 của dự thảo quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo.

Do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 7 của dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.

Về yêu cầu đối với đơn vị phát điện khi mua bán qua đường dây riêng, Điều 6.1 của dự thảo quy định “công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực”.

Hiện nay, quy hoạch điện lực khống chế công suất tối đa phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những lý do quan trọng của điều này là lo ngại ngại công suất điện tái tạo quá lớn nhưng không ổn định sẽ gây tác động tiêu cực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.

"Tuy nhiên, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.

Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện", VCCI kiến nghị.

Còn về yêu cầu đối với khách hàng sử dụng điện khi mua qua đường dây riêng, Điều 7.2 và Điều 7.3 yêu cầu khách hàng sử dụng điện khi mua điện trực tiếp qua đường dây riêng phải đầu tư hạ tầng lưới điện và có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện.

Theo VCCI, việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tuỳ vào thoả thuận cụ thể giữa hai bên.

Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thoả thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.

Bà Suji Kang - đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch châu Á - bày tỏ, dự thảo DPPA có ý nghĩa rất lớn đến doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu sản xuất xanh ngày càng khắt khe. Do vậy, họ mong muốn phải rõ ràng các mốc thời gian thực hiện DPPA, cũng như quy trình tiếp nhận hồ sơ (gửi hồ sơ về đâu, thời gian bao lâu sau khi ký hợp đồng…).

"Việc này để doanh nghiệp chủ động được thời gian nhằm xây dựng các kế hoạch hợp lý" - bà Suji Kang nói.

Đọc bài gốc tại đây.