Đề xuất khuyến khích cho học sinh học THPT nghề nhiều hơn

10/07 14:37
 

Trong bước bàn chính sách sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề.

Trong bước bàn chính sách sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề.

Ngày 10.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6.2025.

Trình bày báo cáo, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội - cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, cử tri kỳ vọng những quyết sách mà Quốc hội đưa ra sẽ tạo sự đột phá, mở đường cho đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng.

Tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra như nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân…

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, liên quan đến kỳ thi vào THPT và thi tốt nghiệp THPT là hai vấn đề rất lớn. Trong đó, với kỳ thi vào THPT sẽ phải bàn, thảo luận rất kỹ vấn đề phân luồng học sinh, tổ chức cấp THPT.

Đồng thời, trong bước bàn chính sách sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hướng nên phát triển THPT nghề, khuyến khích cho học sinh học THPT nghề nhiều hơn.

Theo ông Vinh, nếu xử lý được từ chính sách này thì áp lực thi vào THPT giảm đi, áp lực kỳ thi giảm đi. Nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo và Ủy ban sẽ tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thi tốt nghiệp THPT, ông Vinh cho rằng, còn một số vấn đề lớn như dư luận phản ánh rất nhiều về đề thi một số môn học có độ khó rất cao so với năm trước.

Đồng thời, đây là lần đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, vận hành với nhiều bộ sách giáo khoa song song. Vì vậy, đề thi có hướng thực tiễn hơn và có phần ngoài chương trình nhiều.

"Đây là vấn đề rất mới. Sự thích nghi của học sinh với cách thi, phương pháp thi mới cũng là một vấn đề. Đây cũng là vấn đề có tính chuyên môn cao, nên Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, quan điểm chung thấy cần các đề thi phải theo hướng có tính phân loại cao và hướng về chất lượng.

Việc này để tránh việc không phân loại được học sinh rồi cứ xếp bằng nhau. Thậm chí, các trường đại học không tách ra, không phân loại được, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở bậc đại học, bậc học sau phổ thông.

"Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - ông Nguyễn Đắc Vinh nói thêm.

Đọc bài gốc tại đây.