Đề xuất quy định thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm lây lan rộng là tình trạng khẩn cấp

01/05 16:22
 

Bộ Quốc phòng đề xuất, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và...

Bộ Quốc phòng đề xuất, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân là một trong những tình trạng khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến dự thảo Hồ sơ Luật Tình trạng khẩn cấp. Dự kiến, Luật Tình trạng khẩn cấp sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5.2025); trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10.2025).

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC) của Bộ Quốc phòng, TTKC là trạng thái xã hội của đất nước khi cả nước, một hoặc nhiều địa phương có một trong các trường hợp sau xảy ra:

Có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tính mạng và sức khỏe và Nhân dân.

Có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Theo Bộ Quốc phòng, thảm họa lớn là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh vượt qua cấp độ thảm họa quy định tại Luật Quốc phòng.

Theo tờ trình của Bộ Quốc phòng, Luật TTKC sẽ là luật chung về TTKC. Trên cơ sở những nguyên tắc chung đã được thiết lập trong luật này; một số lĩnh vực, tình huống chuyên biệt cần phải có quy định TTKC có thể được điều chỉnh tại những văn bản luật riêng (ví dụ: TTKC do dịch bệnh được quy định cụ thể tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TTKC do thảm họa tự nhiên thì có thể quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, TTKC về các vấn đề an ninh, quốc phòng tại Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia…).

Quy định về thẩm quyền công bố, bãi bỏ, thi hành lệnh TTKC để đảm bảo thống nhất với khoản 10 Điều 74, Hiến pháp năm 2013 (thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và khoản 5 Điều 88 Hiến pháp 2013 (thẩm quyền của Chủ tịch nước).

Quy định khái quát tại Luật TTKC các nguyên tắc, quy định chung nhằm điều phối, kết nối các quy định về TTKC giữa các luật, cụ thể như: Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thú y; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Thủy sản; Luật Phòng thủ dân sự… Mỗi luật chuyên ngành trên cơ sở của Luật TTKC quy định cho phù hợp về TTKC lĩnh vực chuyên ngành.

Điều 3 dự thảo Đề cương chi tiết Luật TTKC nêu về nguyên tắc hoạt động trong TTKC. Đó là:

Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong TTKC nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động trong các ngành: Điện, nước, bưu chính viễn thông, phát thanh, truyền hình, vệ sinh, y tế phải đảm bảo duy trì, hoạt động thường xuyên, liên tục trong thời gian công bố TTKC.

Đọc bài gốc tại đây.