Để phạt nguội không… nóng

22/01 10:00
 

Nhiều người ra đường giờ đây bị ám ảnh bởi phạt nguội , nhất là sau khi Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt tăng cao.

Nhiều người ra đường giờ đây bị ám ảnh bởi phạt nguội, nhất là sau khi Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt tăng cao.

Hồi tháng 7.2024, tôi từng nhận được thông báo phạt nguội của công an Hà Tĩnh gửi về tận nhà (ở Hà Nội) với lỗi đè vạch trước đèn đỏ. Lần đầu tiên bị phạt nguội kể cũng xót tiền, nhưng mọi sai lầm thì phải trả giá, tôi chấp nhận nộp phạt và coi đó như một bài học cho mình. Cậu đồng nghiệp ở TP Hà Tĩnh thì nói rằng: “Là do anh không quen chỗ này có “cam” thôi, chứ dân ở đây thì ai cũng rõ nên người Hà Tĩnh ít khi bị phạt kiểu này lắm.”

Thế nên sau này, khi có Nghị định 168 thay thế Nghị định 100, tôi cũng không ngạc nhiên lắm về thông tin tại Hà Nội có những vị trí lắp camera giao thông mà số lượng xe ngoại tỉnh bị dính phạt nguội cao hơn hẳn. Chẳng hạn đoạn qua Bệnh viện Bạch Mai, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội có biển cấm dừng, cấm đỗ đặt từ lâu rồi nhưng qua hệ thống camera giám sát thông minh tại các nút giao thông xác định có hàng trăm xe ôtô ngoại tỉnh dính lỗi và bị phạt nguội. Tất nhiên, vấn đề không phải là chuyện có “cam” hay không, mà người lái xe đã không để ý hệ thống biển báo.

Theo cơ quan chức năng, phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm giao thông dựa trên hình ảnh được ghi nhận bằng camera giám sát tại các tuyến đường, giao lộ. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo lỗi vi phạm đến chủ phương tiện và yêu cầu đến làm việc. So với hình thức xử phạt trực tiếp, phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, khách quan và giảm thiểu những đối tượng trây ỳ. Phạt nguội thông qua camera giao thông có một tác dụng rất tích cực là thay đổi thói quen của người tham gia giao thông. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 319/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Theo đó, sẽ có khoảng 40.210 camera được lắp đặt (trong đó camera PTZ: 12.007 camera; camera cố định: 28.203 camera) gồm: 23.736 camera phục vụ giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm. 227 camera phục vụ quốc phòng. 16.247 camera phục vụ giám sát cho quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị.

Việc bổ sung số lượng lớn camera (hiện Hà Nội đã có hơn 19.000 camera đang hoạt động), được coi như thành phố có thêm hơn 40.000 “mắt thần” làm cho ý thức của người dân nâng cao lên rất nhiều trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố hay đảm bảo cho công tác an ninh trật tự của Thủ đô.

Bên cạnh việc tham gia đảm bảo giao thông, các “mắt thần” có thêm nhiệm vụ giám sát các hành vi xả rác, gây ô nhiễm không khí… Điều chắc chắn là các camera này chẳng làm xáo trộn gì cuộc sống người dân, bởi để “phạt nguội không còn nóng” thì việc cần làm chính là ý thức chấp hành nghiêm của người dân hằng ngày.

Đọc bài gốc tại đây.