Đổi mới phương pháp để người lao động tích cực tham gia văn hóa, thể thao

27/04 11:30
 

(10-12h) Đổi mới phương pháp tổ chức nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao đã và đang được Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thực hiện hiệu quả.

Đổi mới phương pháp tổ chức nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao đã và đang được Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thực hiện hiệu quả. Từ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đưa ra giải pháp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thủ lĩnh của đội ngũ cán bộ Công đoàn.

Hiện Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội quản lý 92 Công đoàn cơ sở hoạt động trên khắp địa bàn Hà Nội với tổng số 17.364 công nhân viên chức lao động. Trong đó có 16.569 đoàn viên Công đoàn. Với đặc thù trên 70% đoàn viên là công nhân lao động trực tiếp, thời gian qua các cấp Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, gắn với các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia.

Hằng năm, có hơn 70 lượt đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với hình thức và quy mô khác nhau, thu hút trên 10.000 lượt người tham gia.

Những hoạt động do Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức quy tụ nhiều nhân tài tham gia như Hội khỏe công nhân viên chức lao động toàn ngành với các môn cầu lông, bóng bàn, bóng đá, kéo co, cờ tướng...; Liên hoan tiếng hát công nhân viên chức lao động được duy trì thường xuyên, đạt kết quả tốt, đáp ứng một phần nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Điển hình năm 2023, nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn ngành đã tổ chức Hội khỏe với các bộ môn bóng đá, kéo co, bóng bàn, cầu lông và chạy điền kinh, thu hút hơn 800 vận động viên tham gia…

Trao đổi về kinh nghiệm và giải pháp để thu hút cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người sử dụng lao động và người lao động về sự cần thiết đối với hoạt động văn hóa, thể thao đối với sức khỏe người lao động, là hoạt động tinh thần bổ ích, có tác dụng to lớn đối với bản thân mỗi người lao động, là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phải thường xuyên tìm tòi, đổi mới hoạt động, cách thức triển khai phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chủ động đề xuất, tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia.

Bà Thanh nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thủ lĩnh của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đảm bảo tính tiên phong, gương mẫu, gần gũi đoàn viên, người lao động, là nhịp cầu gắn kết tiếng nói, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị. Cần xây dựng hình ảnh người cán bộ Công đoàn có đủ năng lực công tác, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, xứng đáng là chỗ dựa tinh thần, thực sự là nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên và người lao động.

Đọc bài gốc tại đây.