Đội đèn xuyên đêm bắt châu chấu

08/06 09:43
 

TPO - Trước tình trạng đàn châu chấu hàng chục triệu con tàn phá cây trồng, người dân đã đeo gùi, đội đèn xuyên đêm đi bắt loài côn trùng nguy hiểm này.

Chập choạng tối, vợ chồng anh Lục Văn Thể (48 tuổi) và chị Lục Thị Lan (49 tuổi), trú xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An lại đeo gùi, đội đèn đi bắt châu chấu. Anh Thể cho biết, những ngày này, đàn châu chấu hàng chục triệu con tàn phá nhiều diện tích cây trồng của người dân. Huyện Tân Kỳ đã huy động lực lượng, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc diệt châu chấu. Tuy nhiên ở những vườn cỏ sữa, ngô làm thức ăn cho vật nuôi không thể phun thuốc nên người dân phải đi bắt thủ công.

Để bắt châu chấu, người dân tự làm những chiếc vợt thủ công

“Do số lượng châu chấu nhiều và chưa có cánh bay nên dễ bắt. Những ngày đầu vợ chồng anh vợt được 30 kg - 40 kg châu chấu mỗi đêm. Châu chấu ăn hết cỏ sữa, cây ngô nếu không bắt sẽ ăn ra nhiều vườn khác, vùng khác. Châu chấu bắt về có thể đem bán hoặc phơi khô làm thức ăn cho gia cầm. Do châu chấu còn nhỏ, giá bán hiện nay được khoảng 50 - 60 nghìn đồng/kg”.

Châu chấu tàn phá cây trồng

Việc phun thuốc bằng máy bay không người lái có hiệu quả cao, tuy nhiên trong khu vực khu dân cư không phun được vì ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, do đó phải bắt thủ công.

Anh Lương Văn Thanh (43 tuổi, trú xóm 7, xã Nghĩa Bình) cho biết: “Ban ngày, châu chấu nhảy liên tục nên khó bắt hơn, về đêm châu chấu chỉ nằm im nên dễ bắt. Vì những vườn cỏ sữa, ngô làm thức ăn cho vật nuôi không thể phun thuốc nên cách bắt thủ công là phương pháp hữu hiệu để làm giảm số lượng châu chấu và ngăn chúng di cư ra các vùng khác”.

Cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, châu chấu đang gây hại ở xã Nghĩa Bình là loại châu chấu lưng vàng hại tre. Loại châu chấu lưng vàng hại tre này chủ yếu sống trên rừng tre, mét, nứa, chúng ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết. Khi hết thức ăn chúng sẽ di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác như ngô, mía, cỏ chăn nuôi...

Châu chấu thường thích đẻ trứng ở đất ẩm, xốp, có nhiều cỏ dại, nhiều ánh nắng, thích đẻ trên đất cát pha. Châu chấu có tuổi đời khoảng 200 - 210 ngày. Trong đó, thời kỳ trứng: 15 - 21 ngày, thời kỳ sâu non: 100 ngày, thời kỳ trưởng thành khoảng 3 tháng.

Mỗi đêm có gần chục người dân đi chao vợt bắt châu chấu.

Mỗi đêm, người dân có thể bắt được từ 20-40kg châu chấu.

Châu chấu sau khi được bắt sẽ được người dân bán hoặc phơi khô làm thức ăn cho gia cầm.

Đọc bài gốc tại đây.