Đừng để trả giá đắt khi dừng đỗ trên đường cao tốc

21/06 13:50
 

Những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên các tuyến cao tốc thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm...

Những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên các tuyến cao tốc thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của việc dừng, đỗ phương tiện không đúng cách.

Chỉ một khoảnh khắc chủ quan, một quyết định thiếu chuẩn bị cũng có thể dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.

Ngày 19.6, trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chiếc ôtô khách đã lao thẳng vào xe đầu kéo đang dừng ở làn khẩn cấp, khiến 2 người tử vong và 9 người khác bị thương. Trước đó ngày 12.6, một vụ va chạm tương tự trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến tài xế xe đầu kéo tử vong tại chỗ, dù xe tuần đường và xe cứu hộ đã tiếp cận hiện trường.

Điểm chung của các vụ tai nạn là việc phương tiện gặp sự cố phải dừng trên cao tốc - nơi mà các phương tiện khác đang di chuyển với tốc độ 100 - 120km/h. Chỉ cần thiếu cảnh báo hoặc bố trí cảnh báo không hợp lý, hậu quả lập tức ập đến như một cơn ác mộng không lời báo trước.

Khi một phương tiện di chuyển với vận tốc 100 km/h, quãng đường phanh cần thiết để dừng lại an toàn không dưới 100m. Nhưng trong vụ việc hôm 12.6, theo ghi nhận, biển cảnh báo chỉ cách vị trí xe gặp nạn khoảng 15m - một con số gần như bằng không trong điều kiện xử lý khẩn cấp.

Xe tải, xe container chở nặng, nếu không có khoảng trống để chuyển làn - đơn giản là không thể tránh. Đó là lúc va chạm trở thành điều tất yếu và con người trở thành nạn nhân của những sai số chết người trong tính toán.

Tại nhiều quốc gia, phương tiện dừng trên cao tốc buộc phải có biển cảnh báo lớn, đèn nháy, mũi tên chuyển làn đặt cách vị trí sự cố ít nhất 100 - 150m. Đội tuần đường thường có xe chuyên dụng với hệ thống cảnh báo di động, dựng thành “hàng rào an toàn” tạm thời, giúp tài xế phía sau kịp xử lý.

Ở Việt Nam, quy chuẩn này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, hoặc thực hiện một cách hình thức. Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo: Ngoài bật đèn khẩn cấp, tài xế cần đặt tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón cách phương tiện tối thiểu 150m. Nếu có thể, nên tạo thành hàng rào cảnh báo liên tục - giúp kéo dài tầm nhận biết cho các xe phía sau.

Quan trọng hơn, người trên xe phải lập tức rời khỏi xe và di chuyển ra khỏi làn xe chạy, đứng sau hộ lan hoặc rào chắn. Điều này không chỉ là nguyên tắc an toàn, mà là “lằn ranh sinh tử” trong những tình huống khẩn cấp.

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nếu không rút ra bài học sau mỗi vụ việc - thì đó là lỗi của cả hệ thống. Không thể đổ lỗi cho số phận nếu những cảnh báo vẫn cứ được đặt quá gần, nếu người dừng xe vẫn chủ quan, nếu cơ quan quản lý vẫn lơ là với các chuẩn mực an toàn.

Một biển cảnh báo lùi xa 150m có thể cứu hàng chục người. Một hành động chủ động rời xe khỏi làn cao tốc có thể giữ lại cả một gia đình. Và một cú điện thoại kịp thời đến 1900 8099 - tổng đài của Cục CSGT - có thể là “phao cứu sinh” đúng lúc.

Với cao tốc - nơi từng giây đều là tốc độ - sự cẩn trọng không bao giờ là thừa. Mỗi người tham gia giao thông hãy coi mình là “người gác cổng” cho sự an toàn - cho chính mình và cho cả cộng đồng.

Đọc bài gốc tại đây.