Điểm yếu nhất của Squid Game 2

06/01 13:15
 

Tình tiết tập cuối “Squid Game 2” đã đẩy nam chính Gi Hun (Lee Jung Jae) đến tận cùng sự thất vọng. Trong đó, sự thất vọng lớn nhất là...

Tình tiết tập cuối “Squid Game 2” đã đẩy nam chính Gi Hun (Lee Jung Jae) đến tận cùng sự thất vọng. Trong đó, sự thất vọng lớn nhất là đến từ khán giả.

* Lưu ý bài viết tiết lộ nội dung phim

“Squid Game 2” (Trò chơi con mực 2) đã cho ra mắt đầy đủ 7 tập. Phim gây nhiều tranh cãi từ giới phê bình, “Squid Game 2” đối diện với nhiều lời chê về kịch bản.

So với phần 1, “Squid Game 2” thiếu đột phá về mặt nội dung, các trò chơi ở phần 2 không đặc sắc, không tạo ra tình tiết đắt giá để khai thác được hết những tăm tối, phức tạp trong tâm lý con người.

Ngoài những tranh cãi về tình tiết, lỗ hổng vô lý, điểm yếu lớn nhất của “Squid Game 2” chính là cách xây dựng nhân vật.

Nam chính Gi Hun gây ức chế khi thoại quá nhiều về những triết lý sống, về đạo đức, trong khi chính anh ở phần 1 – cũng đã phải dùng đến “tiểu xảo” để là người chiến thắng cuối cùng.

Không chỉ vậy, Gi Hun luôn hành động bộc phát, thiếu tính toán, thiếu cân nhắc kỹ càng làm ảnh hưởng đến người khác, cho dù anh luôn dặn những người chơi còn lại phải giữ mạng sống, kêu gọi họ hãy từ bỏ trò chơi sinh tử đẫm máu này.

Đỉnh điểm của sự bộc phát là tập 7, Gi Hun kêu gọi một màn “đảo chính” chống lại đội quân “tròn, vuông, tam giác”, từ đó tìm đường lên đến phòng chỉ huy, lật đổ chỉ huy, chấm dứt trò chơi. Gi Hun kêu gọi mọi người kết hợp, cùng mạo hiểm mạng sống của mình, nhưng bản thân anh không có bất kỳ một kế hoạch nào, không có sự chuẩn bị, thậm chí hoàn toàn không có bất cứ một kiến thức nào về đối thủ, về đường đi lối lại trong khu nhà tổ chức trò chơi.

Với kiến thức và sự chuẩn bị bằng 0, Gi Hun dẫn theo khoảng 10 người, lao vào nơi họ không hề biết đường đi, không biết cả việc “phải quét mặt nạ lên camera mới được qua cửa”, thản nhiên xông lên đấu súng với một lực lượng hùng hậu được trang bị vũ khí đủ đầy.

Cuộc thảm sát kết thúc chóng vánh với những gì dễ hình dung nhất, hầu hết đều bỏ mạng lãng xẹt, trong đó có người bạn thân của Gi Hun.

Nhân vật Gi Hun vốn được xây dựng là người đàn ông có nhân tính, luôn giằng xé khi phải đối diện với sự sống – cái chết, anh được khoác lên mình sự nhân văn hiếm hoi giữa dàn người chơi “thèm tiền”, thế nhưng, ở tập cuối phần 2, Gi Hun chỉ còn là một kẻ thảm hại.

Gi Hun cuối cùng chỉ là kẻ khao khát lật đổ “tên mang mặt nạ đen” đứng sau trò chơi. Vì mục đích hạ bằng được kẻ chủ trò, Gi Hun đã mạo hiểm với tính mạng của tất cả những ai đi theo và ủng hộ anh. Chính Gi Hun với kế hoạch nông cạn của mình đã giết chết người bạn thân – mà anh ta tin tưởng.

Xuyên suốt phần 2, nam chính Gi Hun gây ức chế, khi lời thoại và hành động của nhân vật này hoàn toàn trái ngược nhau.

Ngoài Gi Hun, nhiều nhân vật phụ khác cũng xây dựng chưa tới. Thanos của T.O.P (Big Bang) được xây dựng đầy “nguy hiểm”, tưởng như sẽ dẫn đầu nhóm phản diện làm nên những bước ngoặt lớn cho cuộc chơi, cuối cùng, Thanos đã “bị loại” một cách lãng xẹt, so với sự nguy hiểm mà biên kịch đã cố khoác lên ngoại hình, thân thế Thanos.

Nhân vật Lee Myung Gi (Im Si Wan) cũng được tạo dựng một hồ sơ “nguy hiểm” khi là trùm lừa đảo tiền ảo qua mạng, lẽ ra với “CV” đậm chất như thế, Myung Gi phải thể hiện được nhiều hơn về sự toan tính trong các trò chơi. Nhưng không, anh cũng chỉ đi lại mang vẻ bí ẩn một cách không cần thiết cho đến tập cuối mùa 2.

Đọc bài gốc tại đây.