Cuộc chiến chống lại bình luận ác ý nhắm vào sao Hàn

14/04 15:19
 

Nhiều công ty giải trí Hàn gửi đơn khiếu nại, đề nghị tòa án Mỹ công khai danh tính, phạt YouTuber có bình luận ác ý nhắm vào nghệ sĩ.

Trên tờ Dailian sáng 14/4, phóng viên Park Jeong Seon thu hút chú ý với nội dung Liệu 'cuộc chiến chống lại những bình luận ác ý' của người nổi tiếng có cái kết tốt đẹp? Ký giả mở đầu bài viết với câu chuyện liên quan ca sĩ BoA. Đầu tháng 4, vì không thể chịu đựng loạt tin thất thiệt và bình luận tiêu cực từ một tài khoản YouTuber, BoA ẩn ý chuyện giải nghệ. Cô tiết lộ bản thân trải qua thời gian dài khó khăn, luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, khóc nhiều và muốn buông xuôi.

Ngay sau phần chia sẻ của BoA, fan ca sĩ kêu gọi "những kẻ nấp sau bàn phím" buông tha cô. Thậm chí, hàng nghìn người hâm mộ thực hiện cuộc biểu tình bằng xe tải tại Seongsu-dong, Seoul - nơi đặt trụ sở của SM Entertainment - nhằm chỉ trích công ty này quá thờ ơ với nghệ sĩ đã cống hiến cho họ 24 năm và lỏng lẻo, không quyết liệt với tội phạm mạng.

Theo News 1, có rất nhiều người nổi tiếng phải chịu thương tổn, kiệt quệ thể xác lẫn tinh thần, trầm cảm vì tin đồn độc hại và lời bình tiêu cực từ người dùng mạng xã hội. Ngoài BoA, các nạn nhân khác có Han So Hee, Lee Hyeri, Ryu Jun Yeol - ba nghệ sĩ vướng scandal tình ái hồi tháng 3, "Nữ hoàng nhạc phim" Baek Ji Young, Song Hye Kyo, tài tử Park Shi Ho, Kim Hyung Joong, Yoo Chun, Jo Jae Hyun hay Oh Dal Soo.

Bạo lực mạng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của loạt sao Hàn như tài tử Ký sinh trùng Lee Sun Kyun, Jo Min Ki, ca sĩ kiêm diễn viên Sulli, Jonghyun (nhóm SHINee), Goo Hara (nhóm Kara) hay xa hơn nữa là cố minh tinh Choi Jin Sil, Jang Ja Yun, Kim Sung Min, Kim Ji Hoo, Lee Eun Joo, Jang Chae Won, Woo Bong Sik.

Sau quá nhiều vụ sao tự tử, giới chức Hàn ngầm thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề, xuất phát từ loạt phản ứng gay gắt trên internet. Năm 2020, một năm kể từ khi Sulli qua đời, các cổng thông tin truyền thông lớn nhất nước này - như Daum, Naver - quyết định khóa chức năng comment (bình luận) dưới mỗi bài viết nhằm tránh gây tổn thương cho nghệ sĩ.

Tuy nhiên, ký giả cho rằng mức độ trừng phạt "kẻ gây tổn hại bằng lời nói" không nghiêm khắc. Một số công ty quản lý vì không muốn ồn ào, đã thỏa thuận miệng với kẻ phỉ báng nghệ sĩ của mình, vô tình khiến những người này được nước lấn tới.

"Mấy năm nay, tin tức giả mạo cùng bình luận độc hại nhắm vào nghệ sĩ Hàn tiếp tục lan truyền trên các nền tảng có trụ sở ở nước ngoài như YouTube. Rất khó xác định danh tính những người này", bài viết trên Dailian có đoạn.

Gần đây, loạt công ty quản lý nhóm nhạc thần tượng thể hiện rõ quan điểm bảo vệ nghệ sĩ của mình. Họ gửi đơn khiếu nại, kiến nghị tòa án Mỹ phải tiết lộ danh tính của các YouTuber tung tin thất thiệt. Tờ Dailian cho rằng động thái này sẽ mở đường "cuộc chiến" không khoan nhượng với tội phạm mạng.

Cụ thể, Starship Entertainment - nơi ca sĩ trẻ Jang Won Young (nhóm IVE) đầu quân - lấy được thông tin của ông Park (chủ kênh YouTube Taldeok Camp, còn gọi Sojang) - từ cơ quan chức năng. Trước đó, người này liên tục phỉ báng, soi mói đời tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nữ ca sĩ.

Hồi tháng 1, Tòa án quận trung tâm Seoul, Hàn Quốc, ra phán quyết có lợi cho công ty Starship. Ông Park bị phạt 100 triệu won (hơn 1,8 tỷ đồng) và lãi suất hàng năm 12% đến khi trả hết tiền bồi thường cho Jang Won Young. Park cũng phải chịu loạt chi phí pháp lý phát sinh trong quá trình kiện tụng.

Ngay sau đó, công ty Adore gửi đơn lên tòa án Mỹ, yêu cầu Google tiết lộ danh tính của các YouTuber phát tán các bài đăng độc hại với các thành viên New Jeans. Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.

Tương tự, sau cuộc biểu tình của người hâm mộ BoA, tháng 4, SM Entertainment quyết định khởi kiện quy mô lớn, đề nghị tòa án Hàn lẫn Mỹ buộc Google công khai danh tính, trừng trị kẻ xấu.

Tờ Dailian phân tích trước đây và cả bây giờ, ngành công nghiệp Hàn luôn tìm cách bảo vệ nghệ sĩ, bao gồm phản ứng quyết liệt trên các nền tảng, chuẩn bị loạt biện pháp đối phó. Tuy nhiên, những bình luận ác ý vẫn không biến mất, thậm chí chúng trở thành phương tiện kiếm tiền "đắc lực, dễ dàng" của các cá nhân, nhóm người xấu.

"Rất khó đoán kết cục của cuộc chiến giữa người nổi tiếng trước bình luận độc hại. Nên nhớ, nghệ sĩ cũng là con người, không phải là 'phương tiện để cá nhân nào đó kiếm tiền' hay 'đối tượng trút giận'. Nếu các YouTuber hoặc ai đó gây thiệt hại về tâm lý hoặc kinh tế (từ tin đồn, bình luận độc hại), chúng ta cần pháp luật vào cuộc, tăng cường hình phạt thích đáng", ký giả Park Jeong Seon kết luận.

CNN, New York Times và The Guardian đều đánh giá nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc phát triển bậc nhất châu Á nhưng khắc nghiệt nhất thế giới, trong đó nghệ sĩ nước này chịu áp lực lớn từ fan. Theo Daum, người hâm mộ không chỉ đồng hành, hậu thuẫn và giúp thần tượng nâng tầm ảnh hưởng, mà còn tự biến mình thành "quan tòa", tự do phán xét và "xử phạt" nghệ sĩ bằng những lời thóa mạ.

Tờ Nate nhận định: "Người ta chỉ nhìn thấy hào quang tỏa ra ở nghệ sĩ, mà không hiểu hết 'xiềng xích' họ phải chịu đựng. Thật buồn khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: tỷ lệ tự tử trong showbiz Hàn thuộc hàng cao nhất thế giới".

Thiên Lam (theo Dailian)

Đọc bài gốc tại đây.