Cải lương kết hợp hí kịch Trung Quốc và chiến lược của Phương Mỹ Chi ở Sing! Asia

13/07 08:32
 

Phương Mỹ Chi và Khả Lâu mang đến màn trình diễn nhiều bất ngờ khi kết hợp 2 loại hình nghệ thuật của Việt Nam, Trung Quốc ở Sing! Asia.

Phương Mỹ Chi và Khả Lâu mang đến màn trình diễn nhiều bất ngờ khi kết hợp 2 loại hình nghệ thuật của Việt Nam, Trung Quốc ở Sing! Asia.

Mashup "Túy âm - Lục Hải Vi Vương" do Phương Mỹ Chi và Khả Lâu biểu diễn tại bán kết 1 Sing! Asia đã lọt top 5 top Thịnh hành YouTube trong chưa đầy 1 ngày, hút gần 2 triệu lượt xem.

Màn trình diễn được khán giả ví như không gian giao lưu văn hóa: Phương Mỹ Chi lồng ghép vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” trong khi Khả Lâu biểu diễn hí kịch.

Bên cạnh đó, Phương Mỹ Chi hát phiên âm một đoạn "Lục Hải Vi Vương" bằng tiếng Việt còn Khả Lâu hát "Túy âm" bằng tiếng Trung.

Không chỉ gây sốt trên mạng xã hội, phần trình diễn còn khiến ban giám khảo Sing! Asia nhiều lần tỏ ra thích thú. Danh ca Tô Hữu Bằng nhận xét tiết mục đã trọn vẹn cả về phần nhìn lẫn âm nhạc.

Giọng ca Trương Lương Dĩnh, người trước đó tỏ ra khó tính với Phương Mỹ Chi khi 3 lần không bình chọn cô, khen ngợi rằng: “Bản nhạc có sự kết hợp lắt léo về giai điệu và khó thể hiện. Thế nhưng cách trình diễn của cả 2 bạn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc".

Kết thúc phần thi, Phương Mỹ Chi và Khả Lâu đứng thứ 3 đêm thi với 190,6 điểm và tiến thẳng vào vòng bán kết 2.

Tiết mục của Phương Mỹ Chi và Khả Lâu gây bão bởi cải lương và hí kịch là hai bộ môn độc lập, khó kết hợp. Tuy thế, hai nữ ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc DTAP đã giải thành công “bài toán” này, để “mỗi chất liệu văn hóa đều giữ được nét đặc trưng và bản sắc riêng, nhưng vẫn có thể hòa quyện với nhau một cách tự nhiên".

Cải lương là loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên sự kết hợp của ba dòng nhạc là đờn ca tài tử, dân ca đồng bằng sông Cửu Long và nhạc xưa cổ.

Theo GS Trần Văn Khê, cải lương nghĩa là “sửa đổi cho trở nên tốt hơn”. Từ “Cải lương” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1920 trên bảng hiệu gánh hát Tân Thinh của ông Trương Văn Thông cùng câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Loại hình nghệ thuật này mang tính sân khấu cao: được trình diễn trong không gian mở với bài trí và trang phục bắt mắt nhằm thu hút thị hiếu của người xem. Linh hồn của Cải lương là các làn điệu vọng cổ.

Các truyện Nôm xưa của người Việt, tích sử, tình hình xã hội Việt Nam là những chủ đề được ưa chuộng trên sân khấu Cải lương.

Hí kịch, hay còn gọi là Kinh kịch là loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống lâu đời tại Trung Quốc, được ra đời tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long.

Theo trang thông tin của UNESCO, hí kịch kể những câu chuyện về lịch sử, chính trị, xã hội và cuộc sống hàng ngày. Âm nhạc của hí kịch đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nhịp độ của vở diễn, tạo ra một bầu không khí gợi cảm xúc, định hình các nhân vật và dẫn dắt diễn biến của câu chuyện.

Loại hình nghệ thuật này yêu cầu người biểu diễn nắm được cả 4 kỹ năng: ca, nói, diễn và đấu võ. Qua quá trình phát triển, hí kịch đã hình thành và mang đặc trưng của nét diễn mang tính tượng trưng cao, như diễn viên không cần đạo cụ vẫn có thể miêu tả được hoàn cảnh của mình.

Phần lớn các vở hí kịch đều lấy cảm hứng từ Trung Hoa thần thoại, truyện dã sử và cổ tích xưa của người Trung.

Ở những vòng trước, Khả Lâu đã ca một vài đoạn trích hí kịch và có thế mạnh kết hợp chất liệu nghệ thuật truyền thống với âm nhạc hiện đại.

Việc kết hợp giữa âm nhạc hiện đại với các chất liệu văn hóa truyền thống đang là chiến lược đấy ấn tượng của Phương Mỹ Chi tại Sing! Asia - nơi có sự tham gia của rất nhiều đối thủ mạnh, đều sở hữu giọng hát nội lực, đẳng cấp.

Đọc bài gốc tại đây.