Thay vì đi theo lối mòn về cách kể chuyện khô khan, giáo điều, nhiều sân khấu kịch mạnh dạn đổi mới các vở kịch chính luận để đến gần...
Thay vì đi theo lối mòn về cách kể chuyện khô khan, giáo điều, nhiều sân khấu kịch mạnh dạn đổi mới các vở kịch chính luận để đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là những người trẻ.
Kịch chính luận chuyển mình
Trong nhiều năm qua, kịch chính luận hầu như thiếu chỗ đứng ở sân khấu. Trong 10 vở diễn được ra mắt thì có đến 7 - 8 vở diễn thuộc loại hài kịch, tâm lý. Hiếm khi các sân khấu kịch tung các vở diễn chính luận bởi các vở diễn thời sự thường kén khán giả, thậm chí khó hoàn vốn nếu thực hiện. Vậy nên, trong một thời gian dài, hầu như kịch chính luận bị lép vế. Nhiều sân khấu chỉ dựng các vở diễn này để dự thi liên hoan, tranh huy chương...
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong 1 năm trở lại đây, kịch chính luận dần được chú ý trở lại và có sự đầu tư, đổi mới hướng khai thác.
Vở diễn “Một cuộc chiến khác” của sân khấu Kịch Hồng Vân được đánh giá dễ xem và tiếp cận với nhiều khán giả hơn nhờ đổi mới trong khâu kịch bản.
Vở diễn không xây dựng hình tượng chiến sĩ công an với các hành động quen thuộc như các pha rượt đuổi hay những màn võ thuật trấn áp tội phạm mà êkíp đã chọn lối kể chuyện tĩnh, lấy tâm lý và xung đột đạo đức làm cốt lõi để mang lại một góc nhìn khác hơn.
Nhiều khán giả cho rằng, điểm hút của “Một cuộc chiến khác” là không đi theo lối mòn với những khẩu hiệu tuyên truyền thường thấy mà để cho nhân vật tự nêu được thông điệp của mình thông qua hành động, tình tiết, cảm xúc.
Một minh chứng khác là vở “Đồng chí” (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, Quốc Thịnh - sân khấu kịch 5B) đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc bởi thủ pháp dàn dựng độc đáo, tạo cảm xúc về câu chuyện của những đồng đội đã từng hiên ngang trên chiến trường nhưng lại đối mặt với những nghiệt ngã trong thời bình khi đồng tiền chi phối lương tâm của họ.
Nhiều khán giả xúc động rơi nước mắt trước tấm gương kiên trung của những đảng viên giữ vững lập trường chính trị. Dưới bàn tay của tác giả Lê Thu Hạnh và đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, Quốc Thịnh, vở kịch không bị khô cứng mà đã trở nên rất đời, dạt dào cảm xúc.
Điểm hay của sân khấu 5B là êkíp đã dàn dựng lồng ghép những mảng miếng hài duyên, những tình huống trào phúng tạo tiếng cười nhẹ nhàng cho khán giả để vở diễn không bị thô cứng, thiếu sự linh hoạt.
Tương tự, sân khấu Trịnh Kim Chi có 2 vở “Hai người mẹ” (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Trịnh Kim Chi) và “Ngày ấy cổng trời” (tác giả Nguyễn Kháng Chiến, đạo diễn NSND Trịnh Kim Chi) đã tạo sắc thái mới cho sàn diễn này. Cả 2 vở đều tạo được sức hấp dẫn, phần nào chứng minh sức lan tỏa mạnh mẽ của tác phẩm kịch chính luận trong đời sống sân khấu tại TPHCM.
Cần tiếp cận khán giả trẻ
Rõ ràng, trong thời điểm hiện tại, nhu cầu giải trí của khán giả rất lớn. Trong đó, việc lôi kéo được khán giả trẻ đến sân khấu xem các vở kịch chính luận là điều không dễ dàng.
Vậy nên, việc đổi mới kịch chính luận như trên đang được xem là yếu tố sống còn để giúp sân khấu có thể chuyển mình, phát triển mạnh mẽ và tiếp cận được đa dạng khán giả hơn.
Ở vở “Đồng chí” của sân khấu kịch 5B, NSND Mỹ Uyên cho biết, trong các buổi công diễn, khán giả đều lấp đầy chỗ trống.
Vậy nên, có thể thấy, kịch chính luận không hẳn chỉ phục vụ một số lượng khán giả nhất định mà có thể mở rộng hơn, quan trọng là cách các sân khấu tìm hướng tiếp cận.
Tuy nhiên, một điều cũng cần phải lưu ý là với các vở diễn chính luận, điều cốt lõi vẫn là thông điệp, bài học và những ẩn ý sâu sắc mang lại giá trị tích cực cho xã hội. Vậy nên, nếu làm mới, các sân khấu cũng phải cân nhắc, tránh sa đà dẫn đến làm mất bản chất, giá trị ban đầu của vở diễn.
Đọc bài gốc tại đây.