Số phận trái ngược của 2 bộ phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng

01/03 06:21
 

Tết Giáp Thìn, phòng vé Việt có 2 bộ phim Nhà nước đặt hàng ra mắt là “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ”. Hai tác phẩm có...

Tết Giáp Thìn, phòng vé Việt có 2 bộ phim Nhà nước đặt hàng ra mắt là “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ”. Hai tác phẩm có chất lượng tương đương, nhưng lại trái ngược về doanh thu và hiệu ứng truyền thông.

“Đào, phở và piano” và cú bẻ lái bất ngờ

Thời điểm ra mắt, “Đào, phở và piano” từng là một bộ phim chiếu trong lặng lẽ. Mỗi ngày 3 suất, phim chỉ chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, không có trailer chính thức, không quảng bá trên mạng xã hội.

Trong khi đó, phim điện ảnh “Mai” của Trấn Thành gần như “độc chiếm” thị phần phim chiếu Tết, liên tục xô đổ phim Việt đạt doanh thu 100 tỉ, 200 tỉ, 300 tỉ, 400 tỉ đồng nhanh nhất mọi thời đại. Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, “Mai” cũng được sắp xếp 40-50 suất/ngày, gấp hơn 10 lần “Đào, phở và piano”.

May mắn với bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn khi một người dùng Tik Tok chia sẻ về “Đào, phở và piano”, nói rằng, đây là một phim hay nhưng không được chú ý. Sau đó, cơn sốt vé của khán giả Hà Nội bắt đầu, gây sập trang web và ứng dụng của đơn vị phát hành.

Sức hút bùng nổ của “Đào, phở và piano” khiến Trung tâm Chiếu phim quốc gia cắt một cửa suất chiếu “Mai” để nhường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích các đơn vị rạp chiếu tư nhân chiếu phim phục vụ khán giả.

Khi “Đào, phở và piano” bắt đầu công chiếu tại TPHCM, cụm rạp Beta chỉ bán vé trực tiếp tại rạp và cụm rạp Cinestar vừa bán vé trực tiếp vừa bán vé trực tuyến trên trang web. Tuy nhiên, do lượng khán giả đặt vé đông, hệ thống đặt vé của cả hai đơn vị này đều bị quá tải. Cụm rạp Cinestar cũng sớm thay đổi, chỉ duy trì hình thức bán vé trực tiếp tại quầy.

Kể từ ngày 22.2, Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập - không thể cập nhật doanh số chính xác của tác phẩm này. Theo thống kê, “Đào, phở và piano” có 166 suất chiếu/ngày, doanh thu khoảng 4 tỉ đồng (thấp hơn thực tế).

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt đánh giá, việc khán giả dồn sự chú ý vào tác phẩm này chỉ là một hiện tượng nhất thời. Ông cho biết: “Phim Nhà nước với phim tư nhân vẫn có khoảng cách nhất định khi ra rạp. Dù vậy, tôi cho rằng, “Đào, phở và piano” sốt vé là tín hiệu tốt và có thể thay đổi cái nhìn của khán giả về dòng phim Nhà nước đặt hàng”.

“Hồng Hà nữ sĩ” chật vật đến với khán giả

Câu hỏi đặt ra là, nếu “Đào, phở và piano” không tạo nên hiện tượng trên Tik Tok và lan tỏa khắp các diễn đàn, số phận của phim sẽ ra sao. Khi nhìn vào cục diện của “Hồng Hà nữ sĩ” hiện tại vẫn lặng lẽ ở phòng chiếu sẽ có câu trả lời.

“Hồng Hà nữ sĩ” có nhiều điểm tương đồng trong khâu sản xuất, phát hành với “Đào, phở và piano”. Phim có kinh phí đầu tư từ nhà nước, bối cảnh lịch sử thời phong kiến xoay quanh cuộc đời nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

“Hồng Hà nữ sĩ” có chất lượng tương đồng với “Đào, phở và piano”, chỉ là thiếu may mắn.

Đến nay, phim vẫn chiếu 3 suất/ngày, doanh thu 98 triệu đồng nhưng không có suất nào lấp đầy rạp. Tháng 10.2023, tại sự kiện ra mắt “Hồng Hà nữ sĩ”, gần 1.000 khán giả đến xem phim, lấp đầy 2 rạp lớn tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Thậm chí, rạp phải bổ sung thêm ghế phụ, nhiều khán giả chấp nhận ngồi ở bậc thang lối lên xuống để theo dõi phim.

Đến khi công chiếu chính thức ngày mùng 1 Tết, “Hồng Hà nữ sĩ” lại chịu cảnh ảm đạm, ế ẩm. Khán giả đã từng mong cơn sốt vé của “Đào, phở và piano” có thể phần nào tác động, giúp “Hồng Hà nữ sĩ” được quan tâm hơn, nhưng kỳ tích không thể lặp lại.

Nếu “Đào, phở và piano” đầu tư 20 tỉ đồng dựng cả con phố cổ làm bối cảnh thì “Hồng Hà nữ sĩ” là kết quả sau 4 năm ấp ủ và chuẩn bị, 5 tháng ghi hình cùng 4 tháng hậu kỳ kỹ lưỡng của đạo diễn Nguyễn Đức Việt và đoàn phim.

“Hồng Hà nữ sĩ” xoay quanh cuộc đời thăng trầm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (Anh Đào thủ vai) - một phụ nữ tài sắc, có tài làm thơ và dịch thơ, viết sách nhưng cuộc đời gặp nhiều biến cố khi liên tiếp chịu tang những người thân trong gia đình giữa thời loạn. Chồng bà là TS Nguyễn Kiều (Vĩnh Xương) đi xứ 3 năm trở về chưa được bao lâu thì bà mất vì bạo bệnh ở tuổi 43. Tuy vậy, Đoàn Thị Điểm đã kịp hoàn thành bản dịch tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn (Quốc Toàn) từ chữ Hán sang chữ Nôm để lưu truyền cho hậu thế.

Đọc bài gốc tại đây.