'Sống đến bình minh' - ký ức một thời đạn bom

26/04 15:57
 

"Sống đến bình minh" là ký ức chặng đường làm báo, viết văn của Trần Mai Hạnh, ra mắt sau khi ông qua đời.

Theo biên tập viên nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, sinh thời, nhà báo Trần Mai Hạnh mong sách được xuất bản đúng dịp 30/4 năm nay. Ông qua đời chiều 2/4 ở tuổi 81, trên đường thăm chiến trường xưa.

Tự truyện gần 700 trang, chia thành bảy phần: Chàng trai tỉnh lẻ, Đi qua cái chết, Chiến tranh và hòa bình, Thời bao cấp giữa bao vây cấm vận, Những năm đầu đổi mới báo chí, Vòng xoáy, Sống đến bình minh. Đó là những lát cắt cuộc đời ông từ thời niên thiếu, sinh viên đến những năm tháng chiến tranh, là mặt trận miền Bắc, chiến trường miền Nam, hòa bình, những ngày làm báo thời đổi mới.

Trong lời giới thiệu ở đầu sách, ông nói các chi tiết trong sách có thể giúp bạn đọc tiếp cận sâu hơn những sự kiện, cảnh ngộ, tình huống, nhân vật vốn là người thật việc thật, từng được ông tái hiện trong các cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống, Viết và đối thoại.

Các trang viết liên quan chiến tranh chiếm khoảng một phần ba sách. Ông viết về những lần cùng đồng đội đi qua sinh tử, nằm gai nếm mật trong điều kiện khắc nghiệt. Hoàn cảnh éo le, người lính vẫn nuôi khát vọng sống và yêu, hướng về hòa bình.

Trong đó, bài viết dài 50 trang ghi lại diễn biến chiến dịch Sài Gòn - Gia Định dưới góc nhìn của Trần Mai Hạnh. Ông là người theo sát chiến dịch từ tháng 3/1975, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Lý giải tên sách, nhà báo Trần Mai Hạnh viết trong lời dẫn: "Đối diện cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa số phận, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách Sống đến bình minh được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó".

Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, quê Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Thời mới cầm bút sáng tác, Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970-1971. Ông có một số tác phẩm như Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống.

Trong đó, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 từng được dịch ra tiếng Anh, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Cuốn sách là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long (tháng 1/1975) của Quân Giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, bao gồm trọn vẹn bốn tháng: 1 - 2 - 3 - 4 năm 1975. Trần Mai Hạnh thu thập tư liệu trong khoảng 10 năm, từng định xuất bản năm 2002 nhưng phải gác lại. 10 năm sau, ông viết lại bản thảo, xuất bản tháng 4/2014.

Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa tám và chín, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 10. Ông còn nguyên là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận.

Năm 2003, ông bị đình chỉ mọi chức vụ do liên quan vụ án Năm Cam, bị kết án chín năm tù. Năm 2005, ông được đặc xá, sau đó, tiếp tục viết báo, viết văn với bút danh Trần Nhật Thi. Năm 2010, ông sử dụng lại tên thật, Trần Mai Hạnh.

Hà Thu

Đọc bài gốc tại đây.