17 tuổi mắc bệnh gút do axit uric tăng cao bất thường

17/01 12:39
 

Nam sinh 17 tuổi mắc bệnh gút, do mắc tim bẩm sinh có tím nên nguy cơ mắc bệnh gút và tăng axit uric cao hơn, cộng thêm yếu tố...

Nam sinh 17 tuổi mắc bệnh gút, do mắc tim bẩm sinh có tím nên nguy cơ mắc bệnh gút và tăng axit uric cao hơn, cộng thêm yếu tố di truyền.

Nam học sinh L.M.H (nam, 17 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám do đau khớp bàn ngón 1 chân trái thì được chẩn đoán là đợt cấp của bệnh gút.

Bố mẹ em H cho biết, trong 2 năm qua, em H thường xuyên bị đau âm ỉ ở khớp bàn ngón chân cái trái khi vận động, đau tự khỏi sau 3-5 ngày. Hai ngày trước khi vào viện, cơn đau ở khớp bàn ngón chân cái trái của em H tăng lên, kèm sưng nóng, đau liên tục, tăng khi vận động, đôi khi đau cả về đêm. Em H không có tiền sử chấn thương, không đau ở các khớp khác hoặc cột sống, chưa được điều trị nên đã đi khám.

Về tiền sử bản thân và gia đình, bố mẹ cho biết, cháu H từng mắc Tứ chứng Fallot - bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất đã phẫu thuật hơn 15 năm nên có khám chuyên khoa Tim mạch định kỳ, dị ứng thuốc kháng sinh (Ceftriaxone). Ông ngoại của H bị bệnh gút.

ThS.BSNT. Trịnh Thị Nga - Trưởng Chuyên khoa Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Medlatec - cho biết: Khi khám, khớp bàn ngón chân cái chân trái của người bệnh sưng nóng, không đỏ, ấn đau cạnh khớp, hạn chế vận động chủ động do đau, không phát hiện hạt tophi trên lâm sàng. Trước chẩn đoán sơ bộ theo dõi gút, bệnh nhân được tư vấn chẩn đoán chuyên sâu về xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Kết quả đáng lưu ý có xét nghiệm Bilan viêm tăng (BC: 14.42G/L, CRP: 13.47 mg/L), axit uric máu tăng cao: 543.22 µmol/L, có hình ảnh lắng đọng tinh thể urat dạng đám tại khớp bàn ngón 1 chân trái trên phim chụp cắt lớp vi tính (CT) năng lượng kép. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đợt cấp gút mạn.

Bác sĩ Nga cho biết: “Cách đây 2 năm, cháu H từng xuất hiện các triệu chứng tương tự như lần này, do không khám và không đi kiểm tra, nên không biết mắc gút. Tức thời điểm mắc gút, cháu H mới 15 tuổi. Đến lần này, khi bệnh nhân đau nhiều mới đi khám chẩn đoán và điều trị bệnh”.

Hồi cứu sau 1 tuần điều trị, gia đình cho hay, cháu H hết đau khớp bàn ngón 1 chân trái.

Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây bệnh gút như chế độ ăn uống nhiều đạm và hải sản, tuổi tác và giới tính, uống nhiều bia rượu trong thời gian dài, béo phì, gia đình có người bị bệnh gút.

Từng được mệnh danh là “bệnh nhà giàu” nên không ít trường hợp chủ quan. Trường hợp của học sinh H là một dẫn chứng.

“Cháu H có chế độ ăn uống bình thường, thể trạng thấp bé (do mắc bệnh lý tim bẩm sinh), trẻ tuổi nên khi xuất hiện dấu hiệu bất thường, gia đình vẫn chủ quan nghĩ do thay đổi thời tiết gây nên.

Tuy nhiên, do cháu H mắc tim bẩm sinh có tím nên có nguy cơ mắc bệnh gút và tăng axit uric cao hơn, lại thêm yếu tố di truyền là ông ngoại mắc gút. Vì vậy, cháu H cần được khám, kiểm tra định kỳ 3-6 tháng để kiểm soát bệnh gút tốt nhất”, bác sĩ Nga lưu ý.

Đọc bài gốc tại đây.