3 lý do sữa giả phân phối rộng rãi, khó kiểm soát

17/04 18:18
 

Thị trường sữa đang đối mặt với vấn nạn sữa giả phân phối rộng rãi. 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sữa giả được phân phối rộng rãi,...

Thị trường sữa đang đối mặt với vấn nạn sữa giả phân phối rộng rãi. 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sữa giả được phân phối rộng rãi, không phát hiện sớm.

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chỉ ra 3 nguyên nhân để Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh sữa giả trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh sữa giả thường thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và giấy tờ theo đúng quy định, tạo vỏ bọc hợp pháp để che giấu vi phạm về chất lượng sản phẩm. Những vi phạm này chỉ có thể phát hiện thông qua kiểm nghiệm chuyên sâu, trong khi sản phẩm lại chưa bị người tiêu dùng khiếu nại, khiến cơ quan chức năng khó có căn cứ để lấy mẫu kiểm tra.

Thứ hai, thay vì phân phối qua các kênh siêu thị, đại lý chính thức hay chuỗi bán lẻ được kiểm soát, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ thông qua hình thức tiếp thị trực tiếp. Các doanh nghiệp trà trộn vào hội thảo chuyên đề, bệnh viện, phòng khám để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, né tránh sự giám sát của hệ thống phân phối chính thống.

Thứ ba, một số doanh nghiệp còn thuê người nổi tiếng, diễn viên, người mẫu có sức ảnh hưởng để quảng bá và bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo… Cách làm này vừa dễ tiếp cận người tiêu dùng, vừa gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, xử lý vi phạm.

Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả là sản phẩm thuộc Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.

Trong khi đó, chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế cho biết hiện nay đa phần việc quản lý đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý.

Theo TS Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Nghị định 15/2018/NĐ-CP hiện hành đã mở rộng cơ chế quản lý theo hướng thông thoáng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đăng ký sang tự công bố sản phẩm. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm hiện mới đáp ứng một phần yêu cầu thực tiễn. Với hàng nghìn sản phẩm lưu hành, năng lực kiểm tra chất lượng vẫn còn hạn chế, khiến người tiêu dùng đối mặt nhiều rủi ro.

Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, trang thiết bị và kinh phí, trong khi số lượng sản phẩm tự công bố ngày càng tăng.

Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 15 theo hướng siết chặt quản lý. Dự thảo đề xuất kiểm soát tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm; yêu cầu giải trình công thức và cập nhật lại thông tin nếu có thay đổi quan trọng như nguồn gốc, cơ sở sản xuất, thành phần. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc công khai hồ sơ và rà soát sau 3 tháng để bảo đảm tính minh bạch và phù hợp thực tế.

Riêng đối với vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để Bộ Công an có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thời điểm này, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu siết hậu kiểm thực phẩm trong Tháng hành động 2025. Cục đề nghị các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng triển khai hiệu quả công tác hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý như tăng cường hậu kiểm sản phẩm tự công bố và đăng ký công bố, nhất là các nhóm nguy cơ cao hoặc ảnh hưởng đến người già, trẻ em… Kiểm tra hồ sơ công bố, quảng cáo; xử lý nghiêm vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng địa phương.

Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, sau gần 7 năm thực hiện, Nghị định 15 đã bộc lộ nhiều bất cập và cần sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập. Ông nhấn mạnh, việc yêu cầu doanh nghiệp nộp kèm phương pháp kiểm nghiệm khi công bố sản phẩm là cần thiết. Bởi những đơn vị làm giả sẽ không thể cung cấp được quy trình kiểm nghiệm rõ ràng, trong khi cơ quan chức năng có thể chủ động lấy mẫu để phân tích đối chiếu.

Tuy vậy, quy định này hiện chưa được áp dụng rộng rãi. Nếu không có phương pháp kiểm nghiệm cụ thể, việc giám sát chất lượng sẽ gặp nhiều khó khăn; ngược lại, nếu áp dụng định kỳ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí tăng. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để lách luật, né tránh kiểm tra.

Ông Hoàng cho rằng trong bối cảnh sửa đổi Nghị định còn vướng mắc, có thể cân nhắc điều chỉnh ở cấp thông tư hướng dẫn để quy định rõ hơn các nội dung kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp kiểm nghiệm nhằm tăng hiệu lực hậu kiểm trên thực tế.

Đọc bài gốc tại đây.