4 đại dịch có số ca tử vong lớn được giảm thiểu nhờ vaccine

26/04 14:00
 

Dịch hạch, cúm năm 1918, đậu mùa, Covid-19 gây ra số ca tử vong lớn, ảnh hưởng nặng về kinh tế, xã hội, được thanh toán hoặc giảm trừ nhờ vaccine.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch là dịch bệnh xảy ra trên quy mô toàn thế giới, hoặc ở các vùng lãnh thổ vượt qua ranh giới giữa các quốc gia, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Thế giới từng ghi nhận nhiều vụ dịch gây ra hàng triệu ca tử vong, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, xã hội như dịch hạch, cúm Tây Ban Nha, đậu mùa...

Nhân sự kiện "Tuần lễ tiêm chủng" diễn ra 24-30/4, BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, điểm 4 đại dịch có số ca tử vong lớn nhất lịch sử nhân loại được giảm thiểu hoặc loại trừ nhờ vaccine. Danh sách do Liên minh Toàn cầu Vaccine và Tiêm chủng ghi nhận.

Cái chết đen

"Cái chết đen" là tên gọi của đại dịch bệnh dịch hạch, tấn công châu Âu năm 1347, được coi là thảm họa bệnh truyền nhiễm lớn nhất trong lịch sử loài người. Các chuyên gia ước tính Cái chết đen gây ra số ca tử vong dao động từ 75 đến 200 triệu người trên toàn cầu trong vòng 4 năm từ 1347 đến 1351, tương đương 5-40% dân số thế giới.

Theo History, bệnh dịch lây lan nhanh khủng khiếp, dường như chỉ cần chạm vào quần áo cũng có thể lây nhiễm. Bệnh cũng trở nặng rất nhanh, được mô tả "nhiều người khỏe mạnh có thể tử vong chỉ sau một giấc ngủ". Trong khi đó, thế giới chỉ có kỹ thuật điều trị thô sơ, dân gian như trích máu, đốt các loại thảo mộc thơm, tắm trong nước hoa hồng hoặc giấm... Để phòng bệnh, nhiều người khỏe mạnh tìm cách tránh tiếp xúc bệnh nhân bằng mọi giá, thậm chí chuyển về sinh sống ở vùng nông thôn, tuy nhiên không có tác dụng do mầm bệnh ảnh hưởng đến đàn gia cầm, gia súc.

Sau năm 1353, thế giới ghi nhận thêm 4 lần bệnh dịch bùng phát, gồm các năm 1361–1363, 1369–1371, 1374–1375, 1390-1400. Bệnh dịch được kiểm soát khi nhân loại áp dụng biện pháp kiểm dịch. Những người khỏe mạnh được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết. Những người mắc bệnh hoặc nghi mắc phải rời khỏi khu vực đông dân cư và cách ly.

Hơn 400 năm sau, nhân loại có vaccine phòng dịch hạch đầu tiên, do nhà vi trùng học Waldermar Haffkine phát triển. Vaccine này sau đó được tiêm chủng quy mô lớn ở các khu vực thuộc địa của Anh, giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh từ 50 đến 85%. Tuy nhiên, khi thử nghiệm tại Ấn Độ, có 53 người bị ngộ độc sau tiêm chủng, đồng thời vaccine không được công nhận tại Anh.

Đến nay, đã có nhiều công trình khác nghiên cứu và thử nghiệm vaccine dịch hạch, tuy nhiên chưa đạt được thành quả và được WHO phê duyệt.

Cúm Tây Ban Nha

Theo Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, đại dịch cúm năm 1918 được gọi là "cúm Tây Ban Nha" do có nhiều thông tin ghi nhận ca bệnh tại quốc gia nói trên trong Thế chiến II. Đại dịch này gây ra hơn 50 triệu ca tử vong trên toàn cầu, trong đó một nửa ở độ tuổi 20-30. Số ca tử vong quá lớn khiến một số vùng không có lực lượng lao động, sản xuất đình trệ, dẫn đến xảy ra nạn đói và cận đói. Do đó, dịch cúm này được ghi nhận ở mức nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20 xét về tổng số người tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, đại dịch này do virus cúm A/H1N1 gây ra. Đến nay, nhiều đặc tính của virus này chưa được hiểu rõ, khó kiểm soát bệnh tật nếu không có vaccine và thuốc kháng sinh.

Do đó, các nhà nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu bước vào cuộc chạy đua tìm ra loại vaccine hiệu quả để chống cúm. Họ đã có hàng trăm nghìn liều tiêm, nhưng không hiệu quả.

Năm 1933, một loại vaccine cúm bất hoạt do Thomas Francis và Jonas Salk (khi đó công tác tại Đại học Michigan, Mỹ) ra đời. Với sự hỗ trợ của quân đội, vaccine được thử nghiệm về sự an toàn, mức độ hiệu quả, sau đó cấp phép vào năm 1945 và tiếp tục cải tiến trong nhiều năm để đẩy lùi dịch cúm.

Đậu mùa

Đậu mùa từng được ghi nhận lần đầu tiên từ thời kỳ Ai Cập cổ đại, từng là cơn ác mộng của nhiều người do gây tử vong cho 20-60% người mắc ở châu Âu. Những người khỏi bệnh phải chịu nhiều biến chứng và mang sẹo cơ thể suốt đời.

Các nhà khoa học ước tính thế giới có dịch bệnh đậu mùa từ 1520 đến đầu những năm 1600. Trong đó, đợt bùng phát lớn nhất vào tháng 4/1520 tại Mỹ và Mexico. Do chưa có hệ miễn dịch, gần 90% dân số ở phía bắc và nam vùng Caribbean đã thiệt mạng bởi dịch bệnh.

Năm 1796, bác sĩ người Anh Edward Jenner quan sát thấy người mắc bệnh đậu bò thường có miễn dịch với đậu mùa, do đó đã tiến hành một loạt thử nghiệm y khoa và tạo ra vaccine. Đây đồng thời là mũi vaccine đầu tiên trong lịch sử. Nhờ đó, nhân loại loại trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa vào năm 1980 và mở đường cho sự ra đời của các loại mũi tiêm phòng bệnh khác.

Covid-19

Vào tháng 12 năm 2019, một loạt ca viêm phổi bất thường xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc). Đến cuối tháng 1/2020, WHO đã tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đến tháng 3, 114 quốc gia xuất hiện ca nhiễm.

Một năm rưỡi sau, ước tính có hơn 17 triệu người đã chết, nhiều người sống sót có các triệu chứng Covid kéo dài. Đại dịch gây ra gián đoạn kinh tế và xã hội, tổn thất tâm lý cho người dân kéo dài đến nay.

Nhiều loại vaccine phòng bệnh đã được phát triển và thử nghiệm trong thời gian ngắn kỷ lục. Nhờ chiến dịch tiêm chủng tốt, số ca mắc giảm mạnh trong hai năm gần đây. Ước tính vaccine đã ngăn chặn 14,4 triệu số ca tử vong từ tháng 12/2020 đến 12/2021.

Vaccine Covid có tốc độ nghiên cứu và phát triển nhanh nhất lịch sử với thời gian khoảng một năm. Tính đến tháng 1/2024, ước tính có 13,53 tỷ liều được sử dụng trên toàn thế giới, 70,6% dân số đã được tiêm ít nhất một liều.

Đến nay có nhiều loại vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng như: AstraZeneca, Sputnik V, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen... Người lớn tuổi, người có bệnh nền là những đối tượng cần tiêm vaccine Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ nhập viện, điều trị kéo dài, tử vong.

Mộc Thảo

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, mỗi năm tiêm chủng cứu sống 4,4 triệu người khỏi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu trẻ em.

Tuần lễ tiêm chủng "Immunization week" là sáng kiến ra đời năm 2012 của WHO. Năm nay, tuần lễ được tổ chức từ ngày 24 đến 30/4 với chủ đề "Humanly Possible: Saving lives through immunization" (tạm dịch: Khả năng của con người - Cứu mạng sống thông qua tiêm chủng). Sự kiện đồng thời kỷ niệm 50 năm chương trình tiêm chủng được tổ chức trên toàn cầu, kêu gọi các quốc gia tăng cường đầu tư vào các chương trình tiêm chủng bảo vệ sức khỏe cho các thế hệ tiếp theo (EPI).

Theo WHO, chỉ trong 5 thập kỷ, nhờ có vaccine, thế giới đã thay đổi rất nhiều, mọi đứa trẻ nếu được tiêm phòng đều có cơ hội sống sót và phát triển thay vì dễ dàng bị bệnh truyền nhiễm tước đi mạng sống như trước.

Tại Việt Nam, nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng áp dụng rộng rãi từ năm 1981, hàng triệu trẻ em đã được cứu sống bởi các căn bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván sơ sinh... Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình tiêm chủng dịch vụ, cung cấp đầy đủ các loại vaccine đã có và chưa có trong Tiêm chủng mở rộng tạo thành thế trận vững chắc, giúp người dân tiếp cận vaccine dễ dàng, tăng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng

Đọc bài gốc tại đây.