Cha mẹ cho trẻ ăn đúng giờ, tránh một lần quá nhiều, hạn chế chất béo và đồ ngọt để tránh đầy bụng, phòng các bệnh tiêu hóa.
BS.CKI Lâm Bội Hy, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ dễ mắc các bệnh tiêu hóa trong dịp Tết hơn bình thường do chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đường... Thói quen sinh hoạt bị xáo trộn khiến trẻ ăn không đúng giờ, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều. Phụ huynh có thể phòng ngừa bệnh tiêu hóa cho trẻ bằng các biện pháp sau đây.
Ăn uống lành mạnh
Bên cạnh các món ăn truyền thống trong mâm cơm, trẻ cần tăng cường rau củ vào bữa ăn như rau cải, bông cải xanh, bí đỏ, cà rốt... Hạn chế cho trẻ ăn món chiên, rán như nem rán, bánh chưng rán. Ưu tiên món luộc, hấp như thịt gà luộc, cá hấp. Tránh để trẻ ăn thực phẩm nhiều đường, muối như bánh kẹo, mứt, dưa muối, hành muối, xúc xích, lạp xưởng... Cha mẹ cho trẻ uống 1-1,5 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều trái cây giàu vitamin và chất xơ hoặc sữa chua để hỗ trợ tiêu hóa.
Khẩu phần ăn vừa phải
Kích thước dạ dày của trẻ nhỏ, do đó phụ huynh nên chia nhỏ khẩu phần, không nên cho con ăn quá nhiều trong một bữa. Vào dịp Tết, trẻ có khuynh hướng ăn uống mất kiểm soát, mải chơi quên ăn hoặc ăn không biết no, nhiều hơn bình thường. Tình trạng này tạo thói quen xấu, tăng cân không kiểm soát, béo phì, thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Phụ huynh chỉ nên mua thực phẩm tươi, có nguồn gốc rõ ràng. Khi bảo quản thực phẩm trong suốt kỳ nghỉ dài, hãy kiểm tra hạn sử dụng, đóng gói kỹ, chia nhỏ theo từng khẩu phần. Cha mẹ rửa sạch thực phẩm, nấu chín kỹ, tránh để qua đêm hoặc hâm lại nhiều lần. Ở một số địa phương trời rét, cha mẹ chú ý không nên cho trẻ dùng thức ăn lạnh vì có thể tăng nguy cơ tiêu chảy.
Ăn đúng giờ, vận động để tiêu hóa dễ dàng
Duy trì giờ ăn cố định như ngày bình thường để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả, tránh trẻ ăn vặt liên tục trong ngày. Cha mẹ khuyến khích trẻ vận động nhẹ sau bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa như đi bộ, chơi trò chơi nhẹ nhàng. Trẻ không nên ngồi lâu hoặc nằm ngay sau khi ăn, ngủ đúng giờ, không thức khuya để hệ tiêu hóa có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi.
Theo dõi trẻ khi ăn uống
Phụ huynh nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trong khi ăn, trẻ cần tập trung, không xem tivi hay nghịch điện thoại.
Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dự trữ men tiêu hóa trong những ngày nghỉ Tết. Nếu trẻ bị tiêu chảy liên tục, mất nước (trẻ khát nước, môi khô, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu...), đau bụng dữ dội hoặc kéo dài kèm nôn ói, sốt cao, mệt mỏi, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được khám.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Đọc bài gốc tại đây.