Thai phụ nên hạn chế ăn bánh chưng, xôi, món ngọt, đồ chiên, tăng cường nhóm thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc nhằm kiểm soát đường huyết.
BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thực phẩm ngày Tết đa dạng, phong phú, song thường có lượng calo cao. Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ cần kiểm soát chế độ ăn uống nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi. Dưới đây là những món ăn có thể làm tăng lượng đường trong máu của thai phụ.
Bánh chưng, bánh tét
Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán, được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Gạo nếp là loại carbohydrate có chỉ số đường huyết cao, có thể khiến glucose trong máu tăng nhanh. Cụ thể 1/8 miếng bánh chưng cung cấp lượng calo tương đương một bát cơm trắng. Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ ăn nhiều bánh chưng, bánh tét dễ tăng đường huyết, nguy cơ dẫn đến các biến chứng như dị tật bẩm sinh thai nhi, thai to, khó sinh, sinh non.
Xôi, bánh làm từ nếp
Xôi và bánh làm từ gạo nếp chứa nhiều carbohydrate đơn giản, dễ tiêu hóa, khiến cơ thể hấp thụ đường nhanh hơn. Các thành phần khác như đường, dừa, đậu xanh... thêm vào trong xôi và bánh cũng làm tăng lượng glucose trong máu. Đường huyết tăng đột ngột tạo áp lực lên khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy, ảnh hưởng đến thai kỳ.
Mứt, bánh kẹo
Các loại mứt, trái cây sấy khô, bánh kẹo chứa rất nhiều đường, chất béo bão hòa, làm tăng đột ngột lượng đường và cholesterol xấu (LDL) trong máu. Thai phụ ăn nhiều đồ ngọt khiến khó kiểm soát cân nặng, tăng huyết áp, nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý tim mạch, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Nước ngọt, nước có gas, caffeine
Đường trong các loại nước này được hấp thụ rất nhanh vào cơ thể, làm cho đường huyết thai phụ tăng cao, tăng khả năng kháng insulin. Một số loại nước ngọt, nước có gas còn chứa axit photphoric có thể làm giảm hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sự phát triển xương của thai nhi. Đồ uống chứa caffeine thường làm tăng nhịp tim, dễ gây mất ngủ, căng thẳng, có hại cho sự phát triển của thai nhi.
Thực phẩm đã qua chế biến, nhiều dầu mỡ
Các món chiên xào, đã qua chế biến như gà rán, giò, chả, thịt nguội, nem chua... có nhiều chất béo bão hòa kích thích sản xuất cholesterol xấu (LDL) trong máu, tăng nguy cơ kháng insulin, mắc các bệnh béo phì, tim mạch. Các chất tạo ngọt tăng hương vị và hàm lượng muối cao trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn có thể tác động tiêu cực đến huyết áp, thận, tim mạch của thai phụ bị đái tháo đường. Những yếu tố này cộng lại thường dẫn đến các biến chứng tiền sản giật, sinh non, nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.
Bác sĩ Hưng khuyên thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có thể áp dụng phương pháp đĩa thức ăn do Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị. Một đĩa thức ăn có đường kính 23-25 cm, một nửa đĩa là các loại rau củ giàu chất xơ bao gồm súp lơ xanh, các loại cải, cà rốt, cà chua, đậu bắp... Lấy 1/4 đĩa tiếp theo với các loại thực phẩm giàu protein nạc như thịt nạc, cá, trứng, đậu hũ, nấm... Phần còn lại dành cho món tinh bột chứa carbohydrate gồm cơm gạo lứt hoặc khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt.
Thai phụ nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày nhằm đảo bảo cung cấp đủ năng lượng cho cả ngày. Ăn chín, uống sôi, ngủ 7-8 tiếng, vận động nhẹ nhàng giúp kiểm soát đường huyết, tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về mang thai sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp |
Đọc bài gốc tại đây.