Canh gà hầm thuốc bắc, canh cải bó xôi nấu tôm, canh củ quả thập cẩm, cháo trứng gà với tía tô, trà gừng mật ong là những món giúp nâng cao đề kháng trong dịp giáp Tết bận rộn.
Theo bác sĩ Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, khi những ngày Tết cận kề, việc chăm sóc sức khỏe để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, giàu năng lượng là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh chế độ sinh hoạt điều độ, những món ăn truyền thống, dễ chế biến dưới đây không chỉ ngon miệng mà còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe gia đình trong dịp cận Tết.
Canh gà hầm thuốc bắc
Canh gà hầm thuốc bắc là món ăn lý tưởng để bồi bổ khí huyết, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nguyên liệu gồm gà ta kết hợp với các vị thuốc như nhân sâm, đương quy, kỷ tử, và táo đỏ. Món ăn này không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Công dụng y học cổ truyền:
- Đương quy: Bổ huyết, hoạt huyết, tăng tuần hoàn máu.
- Kỷ tử: Bổ can thận, sáng mắt.
- Táo đỏ: Kiện tỳ, dưỡng huyết, làm dịu tâm thần.
Canh gà hầm thuốc bắc đặc biệt phù hợp cho những người cần hồi phục sức khỏe, người mới ốm dậy, hoặc muốn tăng cường thể trạng trước những ngày Tết bận rộn.
Canh cải bó xôi nấu tôm
Món canh cải bó xôi nấu tôm tuy đơn giản nhưng lại mang đến nguồn dinh dưỡng dồi dào. Cải bó xôi chứa nhiều vitamin C, A, và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường đề kháng, trong khi tôm cung cấp protein và các khoáng chất thiết yếu.
Công dụng y học cổ truyền:
- Cải bó xôi (Ba Túc thái): Bổ can, thanh nhiệt, dưỡng huyết.
- Tôm: Bổ thận, kiện tỳ, ích khí.
Canh cải bó xôi nấu tôm là lựa chọn lý tưởng cho những bữa cơm gia đình nhẹ nhàng, bổ dưỡng trong những ngày giáp Tết.
Trà gừng, mật ong
Một ly trà gừng ấm pha mật ong là sự lựa chọn tuyệt vời để giữ ấm cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và nâng cao hệ miễn dịch trong những ngày giáp Tết. Đây là thức uống đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với mọi thành viên trong gia đình.
Công dụng y học cổ truyền:
- Gừng tươi (Sinh khương): Ôn trung, tán hàn, kích thích tiêu hóa.
- Mật ong: Bổ trung ích khí, nhuận phế, dưỡng âm.
Uống trà gừng mật ong mỗi buổi sáng không chỉ giữ ấm cơ thể mà còn mang lại cảm giác thư giãn, giúp tinh thần sảng khoái.
Canh củ quả thập cẩm
Canh củ quả thập cẩm được chế biến từ các loại củ như cà rốt, củ cải trắng, khoai lang, và bí đỏ, nấu cùng xương hầm để tạo vị ngọt tự nhiên. Đây là món ăn thanh đạm, giúp cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và hỗ trợ tiêu hóa.
Công dụng y học cổ truyền:
- Cà rốt: Kiện tỳ, ích khí, bổ huyết.
- Củ cải trắng: Thanh nhiệt, giải độc.
- Bí đỏ: Bổ khí, dưỡng tỳ vị.
Món canh này không chỉ phù hợp với trẻ em mà còn giúp người lớn duy trì sức khỏe trong những ngày bận rộn.
Cháo trứng gà, tía tô
Cháo trứng gà, tía tô là món ăn truyền thống, dễ làm và phù hợp với mọi lứa tuổi. Gạo được nấu nhừ, sau đó thêm trứng gà và tía tô thái nhỏ. Món cháo này đặc biệt hữu ích trong việc giải cảm và tăng cường sức đề kháng.
Công dụng y học cổ truyền:
- Trứng gà: Bổ khí huyết, dưỡng âm.
- Tía tô (Tô diệp): Phát hãn, giải biểu, làm ấm cơ thể.
- Gạo (Mễ): Kiện tỳ, ích khí.
Cháo trứng gà, tía tô thường được dùng khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc trong những ngày thời tiết thay đổi.
Một số lưu ý khi chế biến món ăn:
- Nguyên liệu tươi mới: Chọn thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo hiệu quả dinh dưỡng và sức khỏe.
- Phương pháp chế biến nhẹ nhàng: Hầm, hấp, hoặc nấu canh để giữ lại dưỡng chất tối đa.
- Phối hợp nguyên liệu hài hòa: Tránh sử dụng quá nhiều gia vị cay nóng hoặc thực phẩm khó tiêu trong cùng một bữa ăn.
Mỹ Ý
Đọc bài gốc tại đây.