5 điều ít biết về Jonas Salk và vaccine bại liệt

18/04 07:00
 

Vaccine đầu tiên sử dụng virus bất hoạt làm kháng nguyên, Jonas Salk và gia đình tự thử nghiệm mũi tiêm trước khi nghiên cứu trên người ở quy mô lớn.

Vaccine bại liệt dạng tiêm đầu tiên trên thế giới do bác sĩ Jonas Salk (Mỹ) và các cộng sự nghiên cứu, phát triển từ đầu những năm 1950. Ngày 12/4/1955, vaccine được chứng minh hiệu quả phòng bệnh bại liệt sau khi thử nghiệm trên người, khiến Jonas Salk nổi tiếng.

Mũi tiêm được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong lịch sử y học. Dưới đây là 5 điều ít biết về vị bác sĩ nói trên và vaccine này.

Vaccine bất hoạt đầu tiên

Trong khi hầu hết các nhà khoa học tin rằng chỉ có thể sử dụng virus sống để phát triển vaccine, Salk đã sử dụng virus bất hoạt để nghiên cứu vaccine, bằng cách nuôi cấy các mẫu virus và sau đó vô hiệu hóa bằng formaldehyde.

Nhiều nhà nghiên cứu khi đó đã phản đối cách làm này, ví dụ Alber Sabin, nhà virus học gốc Ba Lan, cho rằng cách tiếp cận của Salk rất nguy hiểm. Tuy nhiên, Salk vẫn tiếp tục nghiên cứu, sau đó nhận được tài trợ từ quỹ March of Dimes. Quỹ này từng có tên là Quỹ quốc gia về Bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh, do Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt thành lập.

Salk và gia đình tự thử nghiệm vaccine

Năm 1952, sau khi thử nghiệm thành công trên khỉ, Salk bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người. Vaccine được tiêm cho trẻ em tại hai cơ sở ở khu vực Pittsburgh, vợ và ba con trai của ông. Bản thân Jonas Salk cũng tự thử nghiệm vaccine. Đến ngày 26/3/1953, ông công bố vaccine thử nghiệm trên người bước đầu thành công.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn nhất lịch sử Mỹ

Trong hơn một tháng từ ngày 26/4 đến tháng 6/1954, 1,8 triệu người đã tiên phong sử dụng vaccine bại liệt thử nghiệm. Họ bỏ qua thực tế vaccine chưa có bằng chứng chắc chắn về mức độ an toàn trên người, các tranh cãi vaccine có thể gây ra nhiều ca mắc hơn là phòng bệnh.

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp mù đôi để nghiên cứu vaccine trên người. Thử nghiệm mù đôi, tức có nhóm tiêm giả dược và tình nguyện viên. Nhân viên nghiên cứu không được biết liều tiêm là vaccine hay giả dược.

Vaccine không có bằng sáng chế

Khi vaccine được công nhận an toàn, hiệu quả, Salk trả lời báo chí, cho biết bằng sáng chế vaccine thuộc về cộng đồng. Nhiều luật sư đã thử xin cấp bằng sáng chế vaccine, nhưng không theo đuổi đến cùng do sự thoái thác của Salk. Theo Forbes, nếu được cấp bằng sáng chế, vị bác sĩ có thể kiếm được hơn 7 tỷ USD.

Nhà khoa học bị ghét bỏ

Charlotte D. Jacobs, từng là giáo sư y khoa tại Đại học Stanford (Mỹ), đồng thời là tác giả cuốn sách Jonas Salk: Một cuộc đời, cho biết cha đẻ của vaccine bại liệt từng bị cộng đồng y khoa tẩy chay. Do đó, Jonas Salk chưa bao giờ được trao giải Nobel.

Bà Jacobs đưa ra hai lý do giải thích việc này. Salk còn trẻ và không thuộc cộng đồng những người nghiên cứu y khoa. Họ cho rằng ông âm thầm thử nghiệm vaccine, đồng thời thách thức "tôn giáo" y học thời điểm đó là chỉ vaccine tạo ra từ virus sống mới có thể phòng bệnh suốt đời. Tiếp theo, cộng đồng y khoa cho rằng Jonas Salk giành được toàn bộ sự chú ý, bỏ qua việc ghi công cho những người khác.

Một số người nói rằng Salk chưa bao giờ có thành tựu khám phá khoa học quan trọng, vai trò của ông tương tự giám đốc phát triển sản phẩm của công ty dược phẩm song nhận được toàn bộ sự chú ý. Vì vậy, cộng đồng không cần giảm bớt sự ghen tị với Salk.

Chi Lê (Theo History, Oxford University Press)

Đọc bài gốc tại đây.