Thời tiết giao mùa đông xuân gây mưa ẩm, nhiệt độ thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh cúm, sởi, thủy đậu bùng phát.
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thời tiết giao mùa đông xuân năm nay trùng hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm. Thời tiết chuyển mùa, nhu cầu đi lại và tập trung đông người tăng cao khiến mầm bệnh truyền nhiễm sau đây có điều kiện lây lan nhanh hơn:
Cúm
Khí hậu lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và tồn tại lâu hơn trong môi trường. Bên cạnh đó, nhiệt độ, nhịp sinh học thay đổi thất thường, đi lại trong điều kiện không khí ô nhiễm sẽ khiến hệ hô hấp trở nên nhạy cảm, sức đề kháng giảm. Vì vậy, cơ thể dễ bị virus cúm tấn công.
Cúm gây sốt, ho, đau đầu, đau họng, sổ mũi, đau nhức người... Bệnh thường tự khỏi trong một tuần, song có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ tim và nguy hiểm tính mạng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm virus cúm khiến 290.000 - 650.000 người tử vong. Năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 280.000 ca mắc cúm mùa, 8 ca tử vong.
Sởi
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tụ họp đông người cũng khiến bệnh sởi có dịp bùng phát. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người, thời gian lây kéo dài từ trước cho tới sau khi phát ban nên khó kiểm soát.
Sởi phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tuy nhiên có xu hướng dịch chuyển sang nhóm trẻ lớn, người trưởng thành. Bệnh gây các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, có thể tử vong.
Việt Nam có hơn 6.700 ca mắc sởi năm 2024, tăng hơn 130 lần so với năm 2023, trong đó có 13 ca tử vong. Chỉ 1 tuần từ 27/12/2024 đến 3/1/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội ghi nhận 101 trường hợp mắc sởi và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng.
Thủy đậu
Mùa xuân thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Virus lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng trên da.
Bệnh thủy đậu lành tính song nếu không được chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể bị nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm gan... dẫn tới tử vong. Người có nguy cơ mắc bệnh cao và gặp biến chứng nặng là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh mạn tính...
Virus thủy đậu là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây viêm não với tỷ lệ tử vong là 9-20%. Theo nghiên cứu, có khoảng 90% người chưa mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine nếu tiếp xúc với virus này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Sốt xuất huyết
Mưa trái mùa, ô nhiễm môi trường, người dân chưa chú trọng công tác vệ sinh quanh nhà thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và truyền bệnh sốt xuất huyết. Năm 2024, cả nước ghi nhận 141.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 28 ca tử vong, riêng dịp nghỉ Tết ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể diễn tiến nặng với các biến chứng sốc, tràn dịch màng phổi, suy tim, suy đa dạng, xuất huyết não, sốc nhiễm khuẩn... có khả năng dẫn đến tử vong.
Bạch hầu
Bệnh dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, lây nhiễm mạnh khi có nguồn bệnh, đặc biệt trong khu vực dân cư tập trung đông hoặc có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Bạch hầu có thể biến chứng tắc đường hô hấp gây khó thở, viêm cơ tim, tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt, nhiễm trùng phổi, tử vong trong 6-10 ngày. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạch hầu có tỷ lệ tử vong lên đến 20%, trong đó số ca mắc cao hay gặp ở trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên.
Ho gà
Tại Việt Nam, ho gà xảy ra rải rác trong năm, thường gặp vào mùa đông xuân. Trung bình, một người bệnh có thể lây cho 12-17 người, 80% người tiếp xúc với nguồn bệnh có thể bị lây, vì vậy dịp Tết tập trung đông người dễ tạo ổ dịch ho gà.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, người lớn ho gà kéo dài có thể gây ra tình trạng viêm phổi, viêm phế quản phổi do bội nhiễm, sụt cân, ngừng thở, mất ngủ, tiểu không tự chủ, gãy xương sườn khi ho nặng... dẫn đến tử vong.
Cách phòng bệnh
Theo bác sĩ Thuyết, để tạo miễn dịch tốt nhất đón Tết, người dân nên chủ động tiêm ngừa vaccine để phòng bệnh. Với bệnh cúm, hiện Việt Nam vaccine phòng 4 chủng virus cúm phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N3, B/Victoria và B/Yamagata dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, tiêm nhắc mỗi năm. Vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, sởi phổ biến trong chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Người lớn nên tiêm nhắc một mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván mỗi 10 năm.
Với bệnh thủy đậu, Việt Nam có nhiều loại vaccine, tiêm từ 9 tháng tuổi và người lớn, hiệu quả phòng bệnh đến 97%.
Bệnh sốt xuất huyết cũng có vaccine giúp phòng ngừa đầy đủ 4 type huyết thanh virus, hiệu quả phòng bệnh cao trên 80% và ngăn ngừa đến 90% nguy cơ nhập viện.
Trong dịp du xuân, nếu bị động vật tấn công, người dân cần tiêm vaccine phòng dại sớm nhất có thể. Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại thế hệ mới, không ảnh hưởng thần kinh là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thuyết khuyên mọi người vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh phòng ốc. Khi có biểu hiện mắc bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Bình An
Đọc bài gốc tại đây.