6 mẹo phòng cảm cúm ngày Tết

26/01 09:00
 

Vệ sinh tay thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt dùng chung, tiêm vaccine, ngủ đủ giấc giúp giảm nguy cơ mắc cảm cúm.

Bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang, quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên khi người dân bắt đầu kỳ nghỉ Tết dài ngày. Người dân thường về quê để nghỉ Tết, đồng thời phải chịu sự thay đổi thời tiết vùng, miền. Việc này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến người dân dễ mắc bệnh hơn, thường gặp là cảm cúm. Bác sĩ lưu ý 6 cách sau để phòng bệnh:

Tiêm vaccine

Người dân thường cho rằng bệnh lây qua đường hô hấp gây các triệu chứng như ho, sổ mũi, mệt mỏi, đau nhức người là cảm cúm. Thực tế cảm lạnh và cúm do các tác nhân khác nhau gây ra. Cảm lạnh do hàng trăm loại virus như Rhinovirus, Adenovirus, Coxsackie virus... gây ra. Còn cúm do virus cúm gây ra, có thể lây lan thành dịch và chuyển biến nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim... Trẻ nhỏ, thai phụ, người cao tuổi, người có bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, ung thư có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.

Hiện Việt Nam lưu hành các chủng cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria, có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Lịch tiêm gồm hai mũi cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi, từ 9 tuổi trở lên và người lớn chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine được khuyến cáo nhắc lại hàng năm do chủng cúm thay đổi kháng nguyên mỗi năm, kháng thể từ lần tiêm trước giảm dần theo thời gian.

Giữ vệ sinh

Virus cúm lây lan qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Mầm bệnh có thể sống trên các bề mặt khác nhau trong tối đa 48 giờ.

Để phòng bệnh, mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi ở nơi công cộng, chạm vào các bề mặt sử dụng chung, trước khi ăn. Nếu không có xà phòng, nên rửa tay với chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn.

Bên cạnh đó, người dân áp dụng thêm các biện pháp như: tránh chạm tay vào vùng mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng; che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay, sau đó vứt đi ngay; khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, công tắc đèn, bàn phím và chuột máy tính, điều khiển từ xa và điện thoại di động; cải thiện chất lượng không khí bằng cách mở cửa sổ trong nhà, sử dụng bộ lọc không khí.

Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh

Người lành mắc bệnh do chạm tay vào bề mặt ô nhiễm sau đó đưa tay lên mặt. Bệnh nhân có thể lây virus cho người khác trong khoảng một ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng và lên đến một tuần sau khi khởi phát.

Vì vậy, khi nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp như sốt cao, ho, hắt hơi, sổ mũi, mọi người nên hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách. Bạn bè và người thân đang bị bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà, hạn chế chúc Tết. Nếu phải chăm sóc người bệnh, mọi người nên đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay thường xuyên.

Dinh dưỡng tốt

Bác sĩ Giang khuyến cáo duy trì chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng, như: ăn đầy đủ protein như thịt gà, cá, trứng, đậu, bổ sung các loại rau củ lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây nhiều màu sắc như ớt chuông, cam, quýt giàu vitamin C.

Người dân hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều phụ gia như khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ chiên. Trường hợp có chỉ định, người dân tuân thủ uống bổ sung vitamin và khoáng chất để khắc phục tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Mỗi người cần uống đủ nước, chia làm nhiều lần trong ngày. Thời tiết lạnh ngày Tết có thể uống trà thảo mộc thay thế; tránh sử dụng thuốc lá và hạn chế uống bia rượu.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, song dịp Tết nhiều người sẽ không thể nghỉ ngơi đầy đủ. Mọi người nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Có thể áp dụng các cách để dễ đi vào giấc ngủ hơn như: tránh màn hình điện thoại, máy tính trước 60 phút; không nên sử dụng caffeine, thuốc lá hoặc rượu, bia quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây khó ngủ hoặc thức giấc, không ngủ lại được.

Duy trì hoạt động thể chất

Tập thể dục cường độ vừa phải, chỉ cần 15 phút trong ngày cũng giúp cơ thể khỏe khoắn, cân bằng tinh thần, tránh căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch. Trong lúc tập luyện, hệ hô hấp hoạt động tăng khả năng thông khí, cải thiện chức năng. Do đó, bác sĩ Giang khuyên người dân nên chọn môn thể thao yêu thích để có động lực duy trì thường xuyên trong ngày nghỉ Tết.

Một số môn thể thao được khuyến khích gồm đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, yoga. Nên chọn không gian tập có không khí trong lành, tránh ô nhiễm, khói bụi, nhiều xe cộ. Ngoài ra, tập hít thở sâu, thực hành thiền, hình dung tích cực, tránh những tin tức tiêu cực cũng giảm căng thẳng.

Gia Nghi

Đọc bài gốc tại đây.