Cơ quan chức năng đã yêu cầu 6 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm về an toàn thực phẩm, trước khi được tiếp tục hoạt động.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu 6 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm về an toàn thực phẩm, trước khi được tiếp tục hoạt động.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” do Báo Hà Nội mới tổ chức chiều 10.7, ông Đỗ Anh Hùng, Phó Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết:
Trong năm 2025, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong kiểm soát thực phẩm giả, Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đợt Tết Ất Tỵ, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 và đoàn kiểm tra liên ngành sữa và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các đoàn công tác liên ngành thành phố đã kiểm tra tại 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có 21/84 cơ sở đạt, 63 cơ sở có các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu 6 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm trước khi được tiếp tục hoạt động;
Đồng thời, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 1 cơ sở, lấy 33 mẫu thực phẩm để gửi kiểm nghiệm chuyên sâu đánh giá chất lượng sản phẩm (32/33 mẫu đạt), tiêu hủy số lượng nguyên liệu, thực phẩm không đảm bảo an toàn với giá trị ước tính trên 500 triệu đồng.
Với việc kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm, nhiều vụ việc đã được chuyển cơ quan công an điều tra, danh sách cơ sở vi phạm được công khai để tăng tính răn đe.
Một số vụ việc bị phát hiện đã gây "rúng động" dư luận như vụ bánh cốm Nguyên Ninh (phố Hàng Than, Hoàn Kiếm), bim bim Đức Vinh (Hoài Đức), bánh kẹo ở La Phù… cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Không thể phủ nhận rằng, việc kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm minh các vi phạm đã góp phần nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điển hình như sau khi bị đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra sai phạm, cơ sở Bánh cốm Nguyên Ninh đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức và chủ động khắc phục, sửa chữa toàn diện để được phép hoạt động trở lại.
Đồng thời, hoạt động kiểm tra cũng góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Theo ông Hùng, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được chỉ đạo quyết liệt và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.
Hằng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm như Tết, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu..., thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Đọc bài gốc tại đây.