70% cận thị ở trẻ liên quan lối sống

04/05 20:31
 

Khoảng 30% cận thị ở trẻ em liên quan yếu tố di truyền, còn lại do lối sống sinh hoạt hằng ngày khiến dị tật này tăng nhanh, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Thông tin được bác sĩ Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc Chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga TP.HCM, cho biết tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hệ thống bệnh viện, chiều 4/5.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc tật khúc xạ tại Việt Nam đáng báo động, chủ yếu là nhóm học sinh, sinh viên ở thành phố lớn. Tật khúc xạ gồm cận, viễn, loạn thị..., trong đó cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất. Số người mắc tật khúc xạ này tăng mạnh những năm gần đây, cao nhất là Hà Nội và TP HCM với dự đoán có thể lên tới 50-70% ở học sinh. Đơn cử, một số khảo sát ở TPHCM cho thấy tỷ lệ cận thị ở trẻ nội thành cao hơn ngoại thành; học sinh cấp 2, cấp 3 mắc nhiều hơn cấp 1. Đặc biệt với học sinh trường chuyên, tỷ lệ cận thị cao hơn các trường khác.

Cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30%. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như việc nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử, sách báo... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không ra ngoài trời sinh hoạt.

"Các thói quen trên khiến cho cho mắt liên tục điều tiết ở cự ly gần, là nguyên nhân dẫn đến cận thị", bác sĩ Hương nói.

Các dấu hiệu thường thấy ở người lớn bị cận thị là nhìn mờ khi vật ở xa; nheo mắt để nhìn; khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, không có hứng thú trong học tập, nhanh mệt mỏi khi làm việc... Riêng trẻ em có xu hướng và tiến sát đến tivi để xem, ngại đọc sách hoặc các hoạt động phải nhìn xa; cúi sát mặt khi nhìn sách, điện thoại...; trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu,chảy nước mắt.

TS.BS. Bazhanov Vitalii Nikolaevich, Phó Giám Đốc Chuyên Môn Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt - Nga TPHCM, cho biết chỉnh quang là biện pháp duy nhất giúp trẻ cận thị có được thị lực tốt để học tập, sinh hoạt và phát triển. Hiện có rất nhiều các phương pháp như đeo kính gọng phân kỳ, kính áp tròng hoặc phẫu thuật. Trong phẫu thuật có nhiều phương pháp như Lasik, Femto, Smile và Smile Pro...

"Thông thường bệnh nhân mổ cận có thể tiến hành sau 18 tuổi. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp để tư vấn và đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp", ông nói.

Để phòng chống, bác sĩ lưu ý mọi người cần lưu ý quy tắc 20-20-20, tức học 20 phút thì cho mắt nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6 m) trong 20 giây. Hạn chế tiếp xúc thiết bị điện tử cầm tay, không sử dụng quá gần mắt.

Tại buổi lễ, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đánh giá bệnh viện đã tham gia tích cực vào chương trình phòng chống mù lòa quốc gia khi điều trị khỏi cho 3 triệu bệnh nhân có vấn đề về mắt, phẫu thuật thành công cho 200.000 ca... Dịp này, bệnh viện được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là cơ sở y tế có số ca phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp Smile và số lượng ca phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể với kính đa tiêu Zeiss nhiều nhất Việt Nam.

Lê Nga

Đọc bài gốc tại đây.