Bé bị sọc đen ở móng tay có nguy hiểm không?

20/01 15:00
 

Con tôi 13 tháng tuổi, có sọc đen ở móng tay. Tại sao có tình trạng này, nguy hiểm không? (Thương Nguyễn, 30 tuổi, Đồng Nai)

Trả lời:

Móng tay của người khỏe mạnh có màu giống màu da hoặc hồng nhạt, sáng bóng, mịn màng. Sọc dọc màu nâu, đen ở móng tay, móng chân có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.

Sọc dọc đen ở móng tay thường xuất hiện dưới dạng một dải sắc tố màu nâu hoặc đen chạy dọc từ gốc móng đến đầu móng. Nguyên nhân chính thường do hoạt hóa hoặc tăng sinh của các tế bào hắc tố trong mầm móng dẫn đến lắng đọng melanin ở dĩa móng.

Phần lớn sọc dọc đen ở móng tay là lành tính, có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc phát triển trong giai đoạn đầu đời. Sự hoạt hóa của tế bào hắc tố có thể xảy ra do di truyền hoặc tác động của môi trường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý sọc đen ở móng tay có thể liên quan đến các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư hắc tố dưới móng. Đây là loại ung thư chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các loại ung thư da, ít gặp ở trẻ.

Để nhận biết tình trạng lành tính hay ác tính, bạn cần theo dõi thêm các dấu hiệu bất thường khác. Các đặc điểm cần lưu ý bao gồm sọc đen ở móng phát triển quá nhanh, thay đổi màu sắc, kích thước hoặc độ rộng của sọc, xuất hiện sắc tố loang lổ, sắc tố lan sang vùng da xung quanh móng, nứt móng hoặc chảy máu tại vị trí sọc... Nếu có những dấu hiệu kể trên, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được kiểm tra và chẩn đoán.

Nếu sọc đen lành tính, bác sĩ thường chỉ khuyến cáo theo dõi định kỳ. Tùy triệu chứng, trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như sinh thiết để chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không cần thiết sinh thiết móng vì thủ thuật này có thể gây loạn dưỡng móng vĩnh viễn. Loạn dưỡng móng khiến móng chân hoặc móng tay bị biến dạng, dày lên, thô ráp, sần sùi.

Ngoài nguyên nhân do u tế bào hắc tố, một số yếu tố khác cũng có thể gây sọc đen ở móng tay trẻ em như chấn thương móng do kẹp tay hay va đập, bệnh nấm móng, bệnh hệ thống hoặc do thuốc. Một số bệnh di truyền hoặc rối loạn nội tiết ít gặp cũng có thể là nguyên nhân, thường đi kèm với các dấu hiệu khác trên da hoặc niêm mạc.

Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da để được khám và tư vấn. Trong quá trình theo dõi tại nhà, bạn lưu ý giữ móng tay của bé khô sạch, cắt tỉa đúng cách và tránh để bé cắn móng tay hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da

Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.