Bài 3: Những lời từ biệt lay động tâm can những người ở lại

27/07 09:20
 

“Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị” vẫn đang viết tiếp cuộc sống hòa bình bằng sự hiện diện trong ký ức dân tộc, ánh sáng của sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay.

“Dù vui vẻ bề ngoài thế nào, con vẫn cứ cảm thấy buồn... Tết đầu tiên xa nhà, con nhớ lắm...”

Đó không chỉ là lời thủ thỉ trong một bức thư Tết, mà là âm thanh nhói lên từ lồng ngực một trái tim trẻ tuổi giữa chiến trường bom đạn. Đây cũng là lời thì thầm cuối cùng của một người lính, biết rằng mình sẽ không kịp trở về để đón một cái Tết hòa bình.

Lá thư ấy do liệt sỹ Đặng Quốc Khánh viết vào cuối tháng Chạp năm 1972, khi đất nước đang ngổn ngang giữa khói súng, cả dân tộc hồi hộp chờ đợi một bản hiệp định hòa bình.

Nhưng trên trận địa Thành cổ Quảng Trị, không có mùa Xuân, không có giao thừa. Chỉ có chiến hào lạnh buốt và một người con đang gói gọn nỗi nhớ vào những dòng chữ cuối cùng gửi cha già.

Xuân này con không về

Anh Đặng Quốc Khánh, quê ở Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1972, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Là con cả trong một gia đình nhà giáo, anh xung phong vào chiến trường Quảng Trị, đúng lúc cuộc chiến đang ở hồi khốc liệt nhất.

Cuối tháng 1/1973, khi cả nước nín thở chờ Hiệp định Paris được ký kết, anh Đặng Quốc Khánh đang ở chiến hào Thành cổ, nơi không có pháo hoa, không bánh chưng, chỉ có tiếng bom và gió buốt.

Ở đó, anh viết thư về cho cha. Giấy mỏng, chữ nắn nót, nhưng từng dòng run lên vì lạnh và vì xúc động: “Con biết ở nhà Tết đến, mọi người đều mong có con. Nhưng con không thể về. Dù vui vẻ bề ngoài thế nào, con vẫn cứ cảm thấy buồn... Tết đầu tiên xa nhà, con nhớ lắm...”

Không một lời than thở, không kể chiến sự, chỉ là đôi ba chuyện nhỏ: Đồng đội chia nhau vài chiếc bánh, thằng em út học lớp Bảy ra sao và một lời xin lỗi giản dị, chân thành: “Nếu có điều gì không phải, cha tha lỗi cho con... Con mong sau này có dịp đền đáp.”

Nhưng Tết ấy đã là Tết cuối cùng. Ngày 26/1/1973, đúng ba ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, anh hy sinh trong một đợt pháo kích dữ dội.

Lá thư gửi cha không kịp đến tay người nhận. Mãi sau này, khi hài cốt của anh được quy tập về nghĩa trang, lá thư nằm trong túi vải bạc màu mới được tìm thấy.

Người cha, nhà giáo Đặng Quốc Hoán, lúc ấy đã gần đất xa trời, chỉ kịp thì thầm một câu khi cầm trên tay nét chữ con trai: “Con không kịp đón cái Tết hòa bình...”

Sau ngày giải phóng, hài cốt liệt sỹ Đặng Quốc Khánh được an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9. Đến năm 2012, gia đình đưa anh trở về yên nghỉ tại quê nhà Hà Tĩnh.

Anh đã sống như một ngọn lửa thầm lặng cháy giữa rừng đạn bom, ngã xuống khi chỉ còn vài giờ nữa là đất nước lặng tiếng súng.

Giữa trời Quảng Trị hôm nay xanh thẳm, có ai nghe tiếng pháo thủ cối năm xưa còn vọng lại đâu đó? Có thể lắm, bởi linh hồn anh và hàng ngàn người chiến sĩ như anh đã hòa vào đất, vào mây, vào hình hài Tổ quốc.

Ở một điểm chốt khác của chiến trường Quảng Trị, một chàng trai cũng kịp để lại những dòng thư cuối. Trần Văn Trường, chiến sỹ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 Triệu Hải, nhập ngũ khi mới 17 tuổi.

Bức di thư cuối của liệt sỹ Trần Văn Trường. (Ảnh: TTXVN phát)

Trường chưa từng biết đến lễ tốt nghiệp, chưa từng yêu, chưa từng nắm tay một người bạn gái đi qua cổng trường. Nhưng trong lá thư gửi về gia đình, Trường viết bằng giọng của một người đã sống trọn vẹn: “Bố mẹ cứ yên tâm, con của bố mẹ đã không làm điều gì xấu xa để ảnh hưởng đến gia đình ta. Và con cũng luôn trau dồi đạo đức, tác phong để thành một xạ thủ giỏi. Về phần con, bố mẹ đừng lo nghĩ, hãy nhớ con của bố mẹ cứng cáp qua những ngày tháng trong quân đội, nay đã trưởng thành rõ rệt.”

Không một dòng oán than; không một lời kể khổ, chỉ là sự dặn dò như thể đã sẵn sàng cho mọi điều có thể xảy ra. Và đúng vậy, anh Trường hy sinh trong một trận đánh, khi vừa tròn 17 tuổi.

Bà Trần Thị Minh Tâm (quê xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy cũ, thành phố Hải Phòng), em gái út của anh Trường, xúc động kể lại: “Lúc nhận tin anh Trường hy sinh, mẹ tôi ngất lên ngất xuống. Chúng tôi chỉ còn lại lá thư vài dòng dặn dò, viết chưa đầy một trang. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ từng nét chữ dứt khoát, rành rọt của anh như một người đang cố viết lời cuối cùng...”

Trong ký ức của cô bé 7 tuổi ngày ấy, Trường luôn là người anh cả hiền lành, mẫu mực, luôn chăm lo đến gia đình. Khi ra chiến trường, anh vẫn tranh thủ viết thư về động viên bố mẹ, gửi những mảnh khăn dù làm quà cho các em và luôn nhắc nhở anh em chăm học, nghe lời cha mẹ.

Những lá thư chưa kịp hồi âm

Trong kháng chiến, có những lá thư không bao giờ đến tay người nhận; có những câu trả lời mãi mãi không được viết ra. Nhưng chính những lá thư ấy, ngắn ngủi, riêng tư lại là khúc tưởng niệm vĩnh hằng.

Đây là bằng chứng sống động của một thế hệ chưa kịp trưởng thành nhưng đã biết hiến mình cho Tổ quốc. Một thế hệ mà phần lớn ra trận khi chưa từng yêu, chưa từng biết mùi bom đạn. Nhưng họ không ra đi trong hối tiếc, bởi họ biết mình đã sống đúng và chọn đúng.

Không ai bắt người lính phải viết thư trước khi ra trận. Nhưng họ đã viết, tự nhiên như hơi thở. Những lá thư của anh Khánh, anh Trường không phải là văn chương.

Chúng được viết trên giấy học trò, bằng nét bút còn vụng, dưới ánh đèn pin mờ hoặc ánh pháo sáng hắt qua chiến hào. Chính vì thế, chúng chân thật, mộc mạc và lay động lòng người đến tận cùng. Đó không chỉ là lời từ biệt, mà là lời xác tín rằng họ chấp nhận cái chết như một phần tất yếu không sợ hãi, không bi lụy, không hối tiếc.

Tại khu trưng bày Thành cổ Quảng Trị, những lá thư ấy được phục chế, lưu giữ trong tủ kính trang nghiêm.

Mỗi dịp 27/7, học sinh, sinh viên, các đoàn quân nhân trẻ lại dừng chân đọc những dòng thư ấy và nhiều người không cầm được nước mắt.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính nằm lại chiến trường khi mới đôi mươi năm ấy không đòi hỏi sự biết ơn. Nhưng chúng ta - những người đang sống vẫn có thể làm một điều giản dị là tưởng nhớ!

Nhớ những lá thư chưa kịp hồi âm, những dòng dặn dò viết trong khoảnh khắc cuối; nhớ rằng có những người chưa từng yêu, chưa từng tốt nghiệp... nhưng đã kịp sống trọn vẹn cho đất nước.

Tri ân không chỉ là hoài niệm mà còn là trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh đã ngã xuống./.

Bài 1: Ký ức về chiến dịch 81 ngày đêm giữ Thành cổ mùa Hè năm 1972

Bài 2: Chứng tích sống động về lý tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến

Bài cuối: Bảo tàng sống cho những ký ức bất tử

Đọc bài gốc tại đây.