Bệnh sởi và rubella khác nhau thế nào?

17/04 20:00
 

Bệnh sởi và sởi Đức (rubella) đều có triệu chứng phát ban toàn thân, làm sao để phân biệt? Tiêm vaccine sởi có giúp phòng rubella không? (Thiện, 34 tuổi, Nam Định)

Trả lời:

Bệnh sởi thông thường đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh rubella (sởi Đức) song thực chất hai bệnh này không giống nhau. Căn nguyên gây sởi thông thường là virus Morbillivirus của họ Paramyxoviridae, còn rubella do virus thuộc họ Togaviridae gây ra. Do đó, mũi vaccine sởi đơn sẽ không giúp phòng rubella.

Sởi và rubella có thể gây biến chứng ở trẻ nhỏ, thai phụ, dễ lây lan qua đường hô hấp và có triệu chứng phát ban. Tuy nhiên, hai bệnh vẫn có điểm khác biệt như:

Thời gian ủ bệnh: Sởi thường ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày, còn rubella ủ bệnh từ 12 đến 14 ngày.

Về triệu chứng: Sởi có triệu chứng khởi phát là sốt cao, ho khan, viêm kết mạc mắt, đặc trưng nổi ban trên da. Đến giai đoạn toàn phát, người bệnh phát ban (mọc sởi) theo trình tự từ sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ sau đó đến tay, bụng, đùi, cuối cùng là hai chi dưới, lòng bàn chân. Ban sởi không gây ngứa, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, màu đỏ tía, sờ mịn, kết thành đám tròn 3-6 mm, xen kẽ giữa các mảng ban có mảng da lành.

Ngoài ban trên da, người bệnh có thể nổi nội ban (hạt Koplik) ở thời kỳ bệnh toàn phát. Ban là các hạt trắng, nhỏ 0,5-1 mm, có quầng ban đỏ xung quanh, mọc ở niêm mạc má phía trong miệng, ngang răng hàm. Các hạt Koplik thường tồn tại 24-48 giờ, đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh sớm.

Còn rubella có triệu chứng dễ nhận biết là phát ban (những chấm đỏ) trên mặt, sau đó lan đến mình, tay, chân, thường mọc không theo quy luật, không tuần tự như sởi, đôi khi chỉ vài giờ đã nổi khắp người. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp triệu chứng sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết, đau khớp, nhức đầu và viêm kết mạc. Ở giai đoạn hồi phục, người bệnh thường hết sốt, ban bay nhanh, không để lại dấu vết trên da, hạch trở về bình thường sau một tuần.

Về biến chứng: Sởi có thể gây viêm tại các cơ quan như phổi, phế quản, tai giữa, xoang, tiêu chảy. Mẹ bầu mắc sởi có thể bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Còn rubella gây đau và sưng khớp, một số trường hợp hiếm gặp gây viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh. Phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu mắc bệnh có nguy cơ dị tật thai nhi rất cao.

Bộ Y tế thống kê từ đầu năm đến ngày 10/4, toàn quốc có 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023, các ca mắc có xu hướng tăng từ tháng 1 đến tháng 4. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm ngừa sởi giảm khi dịch Covid-19 diễn ra, dự báo có thể ghi nhận thêm ca mắc mới thời gian tới.

Để phòng cả hai bệnh, người dân cần tuân thủ các biện pháp như tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang... Trẻ từ 9 tháng tuổi, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người chưa có miễn dịch nên tiêm vaccine sởi, rubella đầy đủ. Khi được tiêm đủ hai mũi, người tiêm có khả năng miễn dịch đến 98%, giảm nguy cơ biến chứng nếu mắc bệnh.

Hiện Việt Nam có vaccine sởi ở dạng đơn và phối hợp, còn rubella chỉ có loại phối hợp phòng sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella. Người dân có thể chọn tiêm vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Mũi sởi đơn dùng cho trẻ từ 9 tháng tuổi; mũi kết hợp ngừa sởi - rubella dành cho trẻ từ 12 tháng; loại phòng sởi - quai bị - rubella cho trẻ từ 9 hoặc 12 tháng tuổi tùy theo từng loại.

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương

Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Đọc bài gốc tại đây.