Hơn 200 người mắc ung thư ở Bệnh viện K (cơ sở 2) cùng nhau ăn bữa cơm tất niên do các y bác sĩ phục vụ, với nhiều món ngày Tết như bánh chưng, giò chả, hành muối.
Chiều 13/1, bà Hằng, 73 tuổi, quê Hà Tĩnh, mắc ung thư xương hàm, cùng nhiều bệnh nhân khác được các bác sĩ hỗ trợ di chuyển từ phòng bệnh xuống nhà ăn. Khối u lớn khiến khuôn mặt người phụ nữ biến dạng, giọng nói không còn rõ ràng. Được chuyển từ tuyến tỉnh ra Hà Nội điều trị suốt 4 tuần qua, nhưng do bệnh tình nghiêm trọng, bà vẫn chưa thể phẫu thuật.
"Bác sĩ nói trường hợp của tôi chưa thể mổ được. Không biết mình còn đón được bao nhiêu cái Tết nữa, nhưng đây là bữa cơm tất niên đặc biệt nhất trong đời tôi", bà Hằng chia sẻ. Người phụ nữ cũng xúc động nói "lâu lắm mới được thưởng thức những món ăn đậm hương vị Tết như dưa hành, canh măng".
Ngồi cạnh bà Hằng là chị Mai, 55 tuổi, mắc ung thư buồng trứng tái phát cách đây 3 tháng. Khi biết bệnh quay lại, chị suy sụp, chuẩn bị sẵn di chúc cho các con và sẵn sàng đối mặt cái chết. Tuy nhiên, khi vào Bệnh viện K, chị được các bác sĩ động viên, phân tích về tình trạng bệnh, cùng sự tiếp sức từ gia đình, bệnh nhân dần lấy lại tinh thần. Tay vẫn đang truyền hóa chất, chị Mai vừa gắp thức ăn cho mọi người cùng mâm, vừa khích lệ: "Ăn để lấy sức chiến đấu với căn bệnh".
Đối với những bệnh nhân không đủ sức khỏe để đến nhà ăn, các y bác sĩ đã mang thức ăn đến tận giường bệnh.
Tiến sĩ Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, chia sẻ bữa cơm tất niên là khoảnh khắc sum họp thiêng liêng của mỗi gia đình khi năm mới cận kề. Với những bệnh nhân xa quê, mong muốn lớn nhất của họ là được trở về đoàn tụ cùng người thân.
"Bữa cơm này là tấm lòng, tình cảm của các y bác sĩ dành cho bệnh nhân, mong họ vững tâm, tự tin chiến đấu với bệnh tật, để sớm khỏi bệnh và trở về gia đình mỗi dịp Tết đến", ông Tú nói, đồng thời động viên các bệnh nhân rằng "họ luôn có sự đồng hành của đội ngũ y tế".
Nhờ sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, nhà ăn của bệnh viện mỗi ngày đều chuẩn bị hàng trăm suất cơm trưa và tối miễn phí cho tất cả bệnh nhân điều trị tại cơ sở 2. Những hoạt động này không chỉ giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí điều trị mà còn phần nào xoa dịu nỗi nhớ quê hương, gia đình, đặc biệt trong những ngày cuối năm.
Ung thư hiện là gánh nặng lớn đối với bệnh nhân, gia đình và xã hội. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 123.000 ca tử vong. Bệnh viện K, tiền thân là Viện Curie Đông Dương thành lập ngày 19/10/1923, là cơ sở chuyên điều trị ung bướu tuyến cuối ở miền Bắc.
Lê Nga
Đọc bài gốc tại đây.