Các biến chứng do viêm gan tự miễn

23/01 10:00
 

Viêm gan tự miễn không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như xơ gan, ung thư gan, giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng.

Viêm gan tự miễn là tình trạng viêm gan mạn tính xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công mô gan. Theo cơ chế thông thường, hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công các tác nhân gây nhiễm trùng mô gan. Tuy nhiên, khi xảy ra rối loạn, kháng thể tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến viêm nhiễm.

Viêm gan tự miễn type 1 thường gặp hơn type 2, có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào. Người bệnh viêm gan tự miễn type 1 thường có các bệnh tự miễn khác đi kèm như bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten), viêm khớp dạng thấp, loét đại trực tràng tự miễn. Viêm gan tự miễn type 2 hay xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên.

BS.CKII Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm gan tự miễn có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng theo thời gian, dẫn đến xơ gan. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng nên khó nhận biết. Theo thời gian, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Giãn tĩnh mạch thực quản: Tĩnh mạch cửa là mạch máu chính vận chuyển máu từ ruột đến gan. Khi máu qua tĩnh mạch cửa bị tắc nghẽn do xơ gan, máu dồn ngược vào các mạch máu khác, chủ yếu ở thực quản và dạ dày, gây giãn to bất thường. Những mạch máu này có thành mỏng, chứa nhiều máu hơn bình thường nên có nguy cơ cao vỡ và chảy máu. Chảy máu ồ ạt từ tĩnh mạch giãn ở thực quản hoặc dạ dày có thể đe dọa đến tính mạng, cần được cấp cứu ngay.

Cổ trướng: Xơ gan khiến dịch tích tụ trong khoang bụng gọi là cổ trướng. Lượng dịch lớn gây chướng bụng, khó chịu, cản trở quá trình hô hấp. Cổ trướng là dấu hiệu của bệnh xơ gan tiến triển nặng.

Suy gan: Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng do viêm gan và xơ hóa kéo dài, chức năng gan giảm đáng kể, dẫn đến suy gan. Lúc này, gan không thể thực hiện các chức năng thải độc, sản xuất protein hay chuyển hóa các chất. Ghép gan là giải pháp duy nhất nếu người bệnh bị suy gan giai đoạn cuối.

Ung thư gan: Xơ gan là hệ quả tất yếu do viêm gan tự miễn kéo dài. Người bị xơ gan có nguy cơ cao mắc ung thư gan hơn so với bình thường.

Bác sĩ Trung cho hay điều trị viêm gan tự miễn bằng thuốc giúp giảm viêm, ức chế phản ứng tự miễn dịch, sau đó giảm liều dần. Bác sĩ chỉ định điều trị tùy vào tình trạng bệnh. Nếu viêm gan tự miễn diễn tiến nghiêm trọng, không còn kiểm soát được bằng thuốc hoặc đã chuyển sang giai đoạn xơ gan, suy gan, ghép gan là phương án tối ưu. Thuốc điều trị viêm gan tự miễn thường được sử dụng dài ngày, nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần được bác sĩ theo dõi trong quá trình điều trị.

Viêm gan tự miễn thường được chẩn đoán nhờ xét nghiệm máu loại trừ các nguyên nhân khác, đánh giá kháng thể tự miễn và kết hợp sinh thiết gan. Phòng bệnh này bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kết hợp chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế rượu bia uống rượu, tiêm chủng đầy đủ.

Thảo Nhi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.