Phế cầu khuẩn chỉ gây bệnh ở phổi, vaccine phế cầu chỉ bảo vệ người tiêm là những hiểu lầm thường gặp khiến bệnh chưa được phòng ngừa đúng cách.
Bác sĩ Hà Mạnh Cường, quản lý Y khoa vùng 2 - Mekong, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong. Thống kê từ Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2021, thế giới có khoảng 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 trường hợp tử vong. Bệnh do phế cầu xâm lấn cũng gây tỷ lệ tử vong cao ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, nhiều người còn hiểu nhầm về bệnh và vaccine dưới đây:
Phế cầu khuẩn không phổ biến
Theo bác sĩ Cường, quan niệm trên không đúng. Phế cầu khuẩn được phân lập lần đầu tiên vào năm 1881, hiện có hơn 100 type huyết thanh gây bệnh.
Vi khuẩn cư trú chủ yếu ở vùng hầu họng của con người và thường gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Theo CDC Mỹ, có từ 5-90% dân số khỏe mạnh mang vi khuẩn này. Vi khuẩn có thể lây sang cho người khác qua giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh, người mang trùng không triệu chứng.
Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ là nguồn lây chính của vi khuẩn phế cầu, dao động từ 27-85%. Một nghiên cứu công bố năm 2019 trên tạp chí BMC Infectious Diseases, xét nghiệm 883 trẻ em khỏe mạnh và biểu hiện bệnh ở Nha Trang (Khánh Hòa), cho thấy vi khuẩn phế cầu có trong vùng họng ở 28,7% trẻ khỏe mạnh và 36,6% trẻ nhập viện.
Bên cạnh đó, người sinh hoạt ở môi trường đông đúc như trường học, công ty, xí nghiệp, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc trẻ em cũng có tỷ lệ mang trùng cao hơn.
Phế cầu chỉ gây bệnh ở phổi
Vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào khoang mũi, bám vào các tế bào biểu mô vòm họng. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch hoặc gặp vấn đề sức khỏe, chúng nhân cơ hội tấn công vào đa bộ phận gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu. Trong đó, viêm phổi do phế cầu có tỷ lệ tử vong từ 10-20%, lên đến 50% ở trẻ nhỏ và người già. Viêm màng não có tỷ lệ tử vong lên đến 50%, có thể để lại các di chứng nặng nề như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn bao gồm: nghiện rượu; rò rỉ dịch não tủy; mắc các bệnh lý tim, thận, gan, phổi mạn tính; ung thư; hút thuốc lá; bất thường chức năng lách... Bên cạnh đó, người mắc các bệnh gây tổn thương niêm mạc như cúm, Covid cũng làm tăng nguy cơ bội nhiễm phế cầu dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Vi khuẩn dễ bị tiêu diệt bằng kháng sinh
Vi khuẩn phế cầu kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh với mức độ ngày càng tăng cao khiến việc điều trị khó khăn, kéo dài và tốn kém chi phí. Năm 2017, WHO đã công bố phế cầu khuẩn không nhạy cảm với penicillin là một trong 12 họ vi khuẩn gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Theo CDC Mỹ, những người làm việc tại trung tâm chăm sóc trẻ em, gần đây sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh do phế cầu khuẩn hoặc bị suy giảm miễn dịch, có nhiều khả năng bị nhiễm trùng kháng thuốc hơn.
Tại Việt Nam, trong nghiên cứu của bác sĩ thực hiện trên 124 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ phế cầu đa kháng thuốc tăng lên đáng kể từ 74,5% (năm 2008-2009) lên đến 94,5% (năm 2018-2021).
Tiêm vaccine chỉ bảo vệ người tiêm
Hiện Việt Nam đang có 3 loại vaccine gồm phế cầu 10 (Synflorix), 13 (Prevenar 13) và 23 (Pneumovax 23) giúp phòng 24 type huyết thanh gây bệnh phổ biến của phế cầu khuẩn. Trong đó, vaccine cộng hợp phế cầu 10 và 13 giúp tạo đáp ứng miễn dịch ở niêm mạc nên có thể giảm sự xâm chiếm của vi khuẩn ở bề mặt niêm mạc đường hô hấp, từ đó giảm sự lây lan vi khuẩn qua người khác.
Còn loại vaccine phế cầu 13 là vaccine polysaccharide, không tạo được đáp ứng miễn dịch ở niêm mạc nên không giảm được tỷ lệ người lành mang trùng. Vaccine không có hiệu quả phòng bệnh phế cầu xâm lấn ở trẻ dưới 2 tuổi do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên được chỉ định tiêm từ 2 tuổi và người lớn, còn phế cầu 10 có chỉ định tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, phế cầu 13 từ 6 tuần tuổi.
Do đó, trẻ đã tiêm phế cầu 10 nên tiêm một liều vaccine phế cầu 13 khi hai tuổi, sau đó tiêm vaccine phế cầu 23. Người lớn cần hoàn thành xong phác đồ của vaccine phế cầu 13, sau đó tiêm thêm vaccine phế cầu 23 để bảo vệ rộng hơn khỏi các chủng phế cầu nguy hiểm.
Ngoài phế cầu, mọi người nên tiêm các loại vaccine bảo vệ đường hô hấp khác như cúm, bạch hầu, ho gà, thủy đậu, não mô cầu... để phòng nguy cơ bệnh chồng bệnh.
Bên cạnh đó, chú ý giữ vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt hoặc sau khi chạm vào các thiết bị công cộng như tay vịn hoặc tay nắm cửa. Rửa tay bằng xà phòng lỏng và nước trong tối thiểu 20 giây. Tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể bằng chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ, không hút thuốc và tránh uống rượu.
Gia Nghi
Đọc bài gốc tại đây.