Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục bị đề nghị 12-13 năm tù

15/01 09:53
 

Viện kiểm sát cáo buộc cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục lợi dụng chức vụ trục lợi, nhận hối lộ 25 tỉ đồng giúp doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa trong 6 năm, đề nghị mức án 12-13 năm tù.

Sau một ngày xét hỏi, sáng 15-1 đại diện Viện kiểm sát nhân dân đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án 12-13 năm tù đối với ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXB Giáo Dục).

Ông Thái bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ đồng từ hai doanh nghiệp tham gia đấu thầu giấy in sách.

Cùng bị cáo buộc tội đưa hối lộ, bà Tô Mỹ Ngọc (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) bị đề nghị 5-6 năm tù và Nguyễn Trí Minh (giám đốc Công ty TNHH giấy Minh Cường Phát) bị đề nghị 30-36 tháng tù.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên trưởng ban kế hoạch marketing NXB Giáo Dục, bị đề nghị 20-24 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh trên, các bị cáo Hoàng Lê Bách, Lê Hoàng Hải (hai phó tổng giám đốc NXB Giáo Dục) và Phạm Gia Thạch (thành viên hội đồng thành viên NXB Giáo Dục) cùng bị đề nghị 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Riêng ông Đinh Quốc Khánh, phó ban kế hoạch marketing NXB Giáo Dục, bị đề nghị 23 tháng tù 4 ngày.

"Việc đưa và nhận hối lộ mang tính quy luật, diễn ra trong nhiều năm"

Trong phần luận tội, đại diện cơ quan công tố nhận định hành vi của các bị cáo trong vụ án gian lận đấu thầu giấy in sách giáo khoa là "nguy hiểm cho xã hội", gây thiệt hại hơn 10 tỉ.

Việc đưa và nhận hối lộ giữa hai doanh nghiệp với cựu chủ tịch NXB Giáo Dục "mang tính quy luật, diễn ra trong nhiều năm", bản luận tội nêu.

Theo viện kiểm sát, ông Thái với vai trò là chủ tịch NXB Giáo Dục đã thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ để trục lợi, nhận hối lộ tổng số tiền 25 tỉ.

Đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, ghi nhận cựu chủ tịch NXB Giáo Dục đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, quá trình công tác có nhiều thành tích sáng kiến và được tặng thưởng nhiều bằng khen.

Ngoài ra, ông Thái còn phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ một số vụ án khác, nên được coi là các tình tiết giảm nhẹ.

Tại tòa ông khai "có công" trong việc tố giác đường dây in, sản xuất sách lậu "lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam", liên quan cựu cục phó quản lý thị trường Trần Hùng.

Theo bản luận tội, kết quả điều tra và xét hỏi tại phiên tòa cho thấy do muốn được tham gia các gói thầu cung cấp giấy in cho NXB Giáo Dục, giữa năm 2017, bà Ngọc và ông Minh liên hệ với ông Thái và đề nghị tạo điều kiện cho trúng thầu và "sẽ cảm ơn".

Năm 2017, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 gói thầu tổng trị giá hơn 282 tỉ đồng. Nữ chủ tịch công ty đã chuẩn bị số tiền 3 tỉ bay từ TP.HCM ra Hà Nội gặp và "cảm ơn" ông Thái.

  • Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo Dục ra tòa vì nhận hối lộ 25 tỉĐỌC NGAY

Sau đó trong 4 năm, 2018-2021, các công ty của bà Ngọc trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỉ đồng. Tương ứng mỗi năm, bà Ngọc đều đưa ông Thái 4 tỉ đồng, tổng 16 tỉ.

Dịp Tết Nguyên đán của cả 5 năm 2018-2022, bà Ngọc đều cảm ơn ông Thái 200 triệu đồng mỗi năm, tổng 1 tỉ đồng.

Như vậy, từ năm 2017-2022, chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã đưa hối lộ cho ông Thái tổng cộng 20 tỉ đồng, bản luận tội nêu.

Với Công ty Minh Cường Phát, ông Thái bị cáo buộc nhận tổng 4,9 tỉ đồng từ ông Minh để tạo điều kiện cho trúng 5 gói thầu tổng trị giá 210 tỉ đồng.

Các lần đưa tiền thường vào trước ngày 20-11. Ông Minh hẹn gặp ông Thái tại phòng làm việc và để lại tiền trong túi quà đặt ở đầu bàn uống nước.

Viện kiểm sát đề nghị giải tỏa kê biên tài sản cho các bị cáo

Viện kiểm sát nhận định hai bị cáo Ngọc và Minh vì động cơ vụ lợi khi tham gia gia các gói thầu cung cấp giấy in sách nên đã đưa hối lộ nhiều lần cho cựu chủ tịch NXB Giáo Dục.

Tuy nhiên, viện kiểm sát ghi nhận bà Ngọc ngay từ giai đoạn điều tra đã vận động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Ngọc có hoàn cảnh đang nuôi 2 con nhỏ trong đó con út bị tự kỷ, bản thân bà bị u xơ tử cung đang phải điều trị, nên được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Đại diện cơ quan công tố cho rằng thiệt hại của vụ án đã được khắc phục hoàn toàn, không buộc các bị cáo phải bồi thường nên đề nghị giải tỏa kê biên tài sản của các bị cáo.

Đọc bài gốc tại đây.