Chủ động phòng bệnh dại dịp Tết

16/01 14:30
 

Số người bị chó mèo cắn, cào thường tăng cao vào dịp Tết, do đó bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine với nhóm nguy cơ cao để chủ động phòng bệnh dại.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết dịp Tết 2024 và các năm trước ghi nhận tỷ lệ người dân bị chó cắn cần chủng ngừa. Lý do là dịp Tết, mọi người gia tăng nhu cầu đi lại chúc Tết, thăm gia đình, du lịch, quản lý chó mèo lỏng lẻo, không rọ mõm, thả rông.

Như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có hơn 3.600 lượt người bị chó mèo cắn, cào đi tiêm chủng dịp Tết 2024. Còn Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ... cắn hoặc cào. Trước đó, dịp Tết năm 2023, cả nước có hơn 50.000 người bị chó cắn, mèo cào phải tiêm vaccine phòng dại.

Theo bác sĩ Chính, sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus gây dại nhân số lượng lên nhiều lần, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, lên não với tốc độ từ 12-24 mm mỗi ngày. Thời gian ủ bệnh có thể dưới 10 ngày hoặc kéo dài vài tháng, vài năm tùy vào vị trí vết cắn, lượng virus dại đi vào cơ thể.

Do đó, người bị chó mèo hoặc động vật có vú máu nóng cắn, cào được khuyến nghị tiêm chủng càng sớm càng tốt. Các vết thương nặng, gần vùng thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ có thời gian ủ bệnh ngắn phải tiêm thêm huyết thanh kháng dại.

Tuy nhiên vào một số ngày Tết, hầu hết cơ sở tiêm chủng, phòng khám tạm nghỉ, chỉ có một số ít bệnh viện chuyên khoa mở cửa có dịch vụ tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Người dân khó tiếp cận ngay khi có sự cố. Số lượng người tiêm chủng tăng cao đột ngột dễ dẫn tới tình trạng thiếu hụt, khan hiếm vaccine.

Để chủ động phòng dại dịp Tết, bác sĩ Chính lưu ý người nuôi chó, mèo nên tiêm vaccine đầy đủ cho chúng và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y. Người đi chúc Tết chú ý quan sát, tránh đến gần vật nuôi hung dữ. Phụ huynh giám sát trẻ chơi đùa, không cho trẻ kéo đuôi, kích động con vật.

Nếu bị chó, mèo cắn cào, người dân nên sơ cứu đúng cách bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy và xà phòng trong vòng 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt. Tiếp theo, người dân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt, không nên chữa theo phương pháp dân gian.

Lịch tiêm vaccine thông thường gồm 5 mũi trong vòng một tháng (0-3-7-14-28), có thể dừng tiêm tùy theo mức độ của vết thương và quan sát được tình trạng của con vật sau 10 ngày.

Người dân có thể tiêm dự phòng trước phơi nhiễm (chủ động tiêm khi chưa bị động vật cắn). Đây là cách để hạn chế rủi ro, bảo vệ người thường xuyên tiếp xúc với động vật.

Phác đồ tiêm dự phòng gồm ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và các mũi tiêm nhắc dành cho người có nguy cơ cao. Trường hợp đã tiêm dự phòng, nếu bị cào, cắn chỉ cần tiêm thêm hai mũi, không cần bổ sung huyết thanh kháng dại dù vết thương nặng.

Bình An

Đọc bài gốc tại đây.