Chữa bệnh tâm thần bằng thiền

16/01 05:00
 

10h sáng, tại phòng thiền Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, Phong cùng 6 bệnh nhân khác ngồi ngay ngắn trên tấm thảm, mắt nhắm, cơ thể thả lỏng.

"Hít vào sâu, thở ra", giáo viên chậm rãi yêu cầu. Phong ngửa lòng bàn tay, đặt lên đầu gối, đầu hơi cúi xuống, tập trung làm theo lời người hướng dẫn trong một tiếng.

Người đàn ông làm nghề giao hàng, sống chật vật, lương chưa đến 10 triệu và luôn cảm thấy "kém cỏi, rẻ mạt". Vì vậy, anh tự ti, không dám làm quen bạn gái, hẹn hò, kết hôn.

Đầu óc liên tục bị căng thẳng vì nghĩ đến tiền, trong khi bố mẹ thường xuyên gọi điện giục cưới vợ khiến anh bực tức, cáu giận. Kiên quyết sống độc thân nên cứ mỗi lần nhìn thấy số điện thoại gia đình là Phong hoảng hốt, tim đập nhanh, mồ hôi đầm đìa, mất ngủ triền miên. Lâu dần, anh có xu hướng tự hành hạ bản thân để nguôi ngoai cảm giác bế tắc.

Đây là một bệnh nhân mắc chứng sợ kết hôn - một rối loạn tâm lý, được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, ám ảnh sợ hãi. Bác sĩ chỉ định bằng liệu pháp trị liệu tâm lý, kết hợp thiền để cải thiện. Một tuần ba buổi, bệnh nhân đến viện để thực hành thiền dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

"Những ngổn ngang cuộc sống, nỗi sợ trong tôi dường như dần tan biến, có thể mở lòng, đón nhận mọi thứ", người đàn ông nói sau hai tháng tập thiền.

Người phụ nữ kế 39 tuổi kế bên Phong bị tâm thần phân liệt, thường xuyên xuất hiện tiếng nói lạ trong đầu. Những lời cười nhạo, chỉ trích các vấn đề riêng tư khiến người phụ nữ rất đau khổ. Bệnh nhân thường xuyên đi lang thang để chạy trốn âm thanh, liên tục gào thét và đập phá, có khi ngồi sụp bên một góc tường, bịt tai, sống trong thế giới riêng của mình. Cô được điều trị bằng thuốc kết hợp trị liệu tâm lý.

Từ khi bệnh viện mở lớp thiền vào đầu năm 2023, bệnh nhân học một tuần hai buổi, dần dần không còn nghe thấy những tiếng chửi bới, đe dọa, theo dõi, sức khỏe chuyển biến tích cực.

"Những âm thanh giảm hẳn, tôi thấy nhẹ nhõm và thanh thản hơn", người phụ nữ nói.

Thiền là một phương pháp thực hành giúp tâm trí tập trung, thư giãn và đạt được trạng thái cân bằng nội tâm. Đây là quá trình lắng đọng tâm hồn, buông bỏ các tạp niệm, tập trung vào hơi thở hoặc một điểm tập trung nhất định để tăng cường nhận thức, kiểm soát cảm xúc cũng như mang lại sự bình yên trong tâm trí.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết thiền được coi là một phương pháp tâm lý trị liệu, áp dụng để cải thiện các tình trạng rối loạn tâm thần. Trong mỗi lĩnh vực, thiền sẽ có cách định nghĩa khác nhau. Đơn cử, trong yoga, thiền được xem như một trạng thái tập trung cao, giúp tâm trí được thư giãn mà không bị cản trở bởi bất cứ điều gì. Còn trong Phật giáo, thiền được sử dụng để chỉ pháp thực, được tiến hành để giúp rèn luyện tâm tính.

Trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, thiền có nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm giảm căng thẳng và lo âu, tăng cường trạng thái tâm lý tích cực, tăng cường sức khỏe tinh thần. Thiền có thể giúp giảm triệu chứng của rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ - một biểu hiện điển hình của các bệnh về trầm cảm, rối loạn lo âu.

Bằng cách tập trung vào hơi thở hoặc một điểm tập trung nhất định, thiền có thể cải thiện khả năng tập trung và tăng hiệu suất công việc. Khi thực hành thiền, là tạo ra một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, tĩnh tâm, giúp tái tạo năng lượng và đối mặt với căng thẳng một cách hiệu quả hơn.

Giáo viên Nguyễn Vân, người trực tiếp hướng dẫn các học viên tại lớp học bệnh viện, cho biết thiền là kỹ năng mà bạn phải luyện tập, mọi người học cách giao tiếp với chính suy nghĩ của họ. Trong thực hành, các học viên sẽ được huấn luyện buông bỏ tạp niệm, kiên nhẫn và nhẹ nhàng với ý nghĩ, cứ để chúng trôi qua.

Thiền cũng được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện lớn trên thế giới như Đại học Thomas Jefferson hay Trung tâm Y tế VA Washington DC, Mỹ, mang lại lợi ích giảm căng thẳng, đau đớn và thúc đẩy sự cân bằng tâm lý. Các nghiên cứu đã chứng minh thiền có thể giảm triệu chứng của rối loạn lo âu và trầm cảm, điều hòa hormone cortisol, thậm chí thay đổi cấu trúc não, làm dày vỏ não trong vùng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ, đồng thời giảm hoạt động của amygdala - vùng não liên quan đến cảm giác sợ hãi, căng thẳng.

Theo CNN, nghiên cứu từ Đại học Georgetown cho thấy hiệu quả của thiền trong điều trị rối loạn lo âu tương đương với việc sử dụng một số loại thuốc. Trong khi đó, nghiên cứu từ Đại học Carnegie Mellon cho thấy thiền không chỉ kiểm soát căng thẳng mà còn giảm viêm nhiễm và cải thiện sức khỏe tổng thể.

"Tác dụng của thiền trong điều trị tâm thần linh hoạt, phụ thuộc vào loại và mức độ bệnh. Kỹ thuật này cần được kết hợp với các biện pháp khác nhau như tâm lý, thuốc, sốc điện... để có hiệu quả tối ưu", bác sĩ Thu cho hay.

Thúy Quỳnh

Đọc bài gốc tại đây.