Trước khi đến với vai Cấm trong 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối', diễn viên Gen Z Khánh Ly trải qua tuổi thơ nhiều cơ cực, sớm làm thuê để kiếm sống và theo đuổi nghề diễn.
Ở tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Cấm nhỏ tuổi nhất trong đội du kích Bình An Đông trụ lại địa đạo Củ Chi. Cô bé lăn xả với chiến đấu, thương ba (Bảy Theo do Thái Hòa đóng), quan tâm ba từ những điều nhỏ nhất, dù hai cha con ít khi đối thoại.
Là tân binh trên màn ảnh rộng, Khánh Ly cho thấy sự chân thành và nghiêm túc khi nhập vai Cấm, thể hiện tinh thần nhiệt huyết, dáng vẻ tháo vát của thiếu niên thời chiến. Vóc dáng nhỏ bé và gương mặt trẻ thơ, cô khiến không ít người nhầm tưởng là diễn viên tuổi teen, cùng trang lứa với nhân vật.
Tuổi thơ vắng cha, xa mẹ
Khánh Ly sinh năm 1999 tại TP HCM. Năm Ly 13 tuổi, mẹ cô đổ bệnh rồi qua đời, ba cô tìm hạnh phúc mới không lâu sau đó. Khánh Ly và hai em làm quen với nhịp sống đầy khắc nghiệt bên ông bà nội.
Cô kể ba chị em sống bằng khoản tiền mẹ để lại. Rất thương chị em cô nhưng vì ở quá xa và không khá giả, ông ngoại cùng các cậu chỉ trợ cấp cho họ những khoản chi tiêu nhỏ. Diễn viên trẻ chọn nhìn lại tuổi niên thiếu bằng ánh mắt lạc quan.
Lớp 9, lớp 10, Ly giấu gia đình đi phát tờ rơi kiếm tiền mua sách vở. Có lúc khó khăn quá, cô tưởng phải bỏ học. Tuy nhiên, những người từng trốn nợ mẹ Ly trở lại trả tiền, chị em cô được đến trường tiếp. "Có lẽ nhờ mẹ sống tử tế, chị em tôi được nhiều người thương. Ngày ấy, tôi sống khép mình, hậm hực vì hoàn cảnh. Nhưng thời gian qua đi, tôi nhận ra không thể chấp niệm mình bất hạnh vì sớm mất mẹ. Mọi chuyện đều là trải nghiệm cho tôi vững vàng khôn lớn".
Từ nhỏ, Khánh Ly gắn bó nhiều với mẹ nhưng đứt gãy kết nối với ba. Diễn viên thú nhận lúc trước, cô mang trong lòng nỗi niềm trách cứ đấng sinh thành. Nhưng lớn lên, thêm vốn sống, cô dần thay đổi suy nghĩ: "Ba tôi nhiều áp lực vì kết hôn quá sớm. Nếu cách đây một, hai năm, tôi lấy chồng và có con trạc tuổi như ba ngày xưa, có thể tôi cũng đi vào đổ vỡ. Cha con tôi không gặp mặt nhiều, nhưng ba vẫn là người sinh ra tôi. Tôi sẽ thương ba theo cách khác".
Tuổi đôi mươi lăn lộn đủ nghề
18 tuổi, Khánh Ly thi đậu trường Đại học Sư phạm TP HCM. Nhưng học được 6 tháng, cô tự hỏi mình có thực sự phù hợp với chuyên ngành tâm lý giáo dục. Bởi nếu muốn làm nghề này, cô cần học lên cao, cô sợ không có đủ điều kiện kinh tế.
Cùng lúc, bà nội không ngừng hối thúc Ly bỏ học, xin làm công nhân. Một đời nhọc nhằn, người phụ nữ lớn tuổi nhìn đâu cũng thấy tốn kém, chỉ mong các cháu sớm kết thúc học hành rồi kiếm việc phụ giúp chi tiêu. Dù tủi thân, Khánh Ly cố gắng hiểu cho suy nghĩ của bà.
Một lần, nghe diễn viên Ngọc Lan kể từng bỏ ngành sư phạm để làm nghệ thuật, cô sinh viên Khánh Ly như được đánh thức ký ức về cô bé Khánh Ly chìm trong thế giới phim truyền hình, đam mê bắt chước các diễn viên. Ấy từng là niềm vui xoa dịu cô trong những ngày cuộc sống trăm bề khó.
Sự thôi thúc trong lòng cho Khánh Ly động lực dừng việc học để theo đuổi diễn xuất. Nhưng chuyện chẳng dễ dàng. Không người dẫn đường, không tiền bạc lận lưng, cô mò mẫm từng bước, tham gia các lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn. Biết chuyện, ông ngoại của Khánh Ly rất ủng hộ, đồng ý tài trợ cô một phần học phí; trong khi ông bà nội rất giận, có lúc không nhìn mặt cô.
Để trang trải cuộc sống, Khánh Ly phát tờ rơi, bán giày, phục vụ ăn uống... Nghe ai "mách nước" việc gì cô cũng làm, miễn kiếm được tiền sẽ không từ nan. Giai đoạn đầu, Ly học và thực hành ở sân khấu vào buổi sáng. Hơn 10 tiếng sau đó, cô chạy bàn từ quán ăn đến tiệm cafe. Kết thúc hai ca làm, cô về nhà vừa kịp nửa đêm. Vậy mà có những lần, đóng xong học phí, cô không còn đồng nào.
Cô Cấm của phim Địa đạo nhớ lại: "Có hôm đi làm về đêm, ngang qua khu công nghiệp, cả hai bánh xe cán vào đinh. Tôi vừa đi vừa niệm Phật, thủ thỉ xin cái xe ráng chạy về đến nhà. Ra trạm xăng, ai cũng đổ đầy bình, tôi chỉ dám mua 10.000 đồng, không biết bao lần phải dắt bộ. Nhiều hôm, tiền ăn không có, 2.000 đồng gửi xe tôi cũng phải xin các bạn. Nghĩ lại, tôi thấy mình khổ thật đấy, quá nhiều chất liệu để đóng vai nghèo. Nhưng lúc đó, tôi thấy vui nhiều hơn buồn, vì được bạn bè cưu mang. Những ngày tháng ấy, tôi làm mọi thứ để tồn tại".
Mối duyên làm 'con gái' Thái Hòa
Sau giải thưởng "Học viên xuất sắc" do giảng viên - diễn viên Lydia Park trao tặng ở chương trình Gặp gỡ mùa thu 2022, Khánh Ly tiếp tục làm sale, nhận quay quảng cáo, phim ngắn và casting nhiều dự án. Cô bị đánh trượt không ít, cho tới khi nhận được vai phụ trong phim Quán Kỳ Nam của đạo diễn Leon Quang Lê và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Đọc kịch bản Địa đạo, Khánh Ly ngỡ ngàng vì nhân vật Cấm nhiều điểm tương đồng với cô. Sự đồng hành với diễn viên Thái Hòa từ trường quay đến hậu trường bù đắp cho cô sự thiếu thốn tình cảm cha con ngoài đời. Cô kể: "Ba Hòa không khác gì ba ruột của tôi. Ba kiệm lời nhưng quan tâm từng thứ của mấy đứa diễn viên trẻ, lúc nào cũng sợ chúng tôi thiếu này thiếu kia. Ba chỉ dẫn cho tôi rất nhiều khi diễn xuất. Phim đóng máy một năm rồi, vợ chồng ba vẫn hay gọi chúng tôi tới nhà ăn cơm, hẹn chúng tôi đi cafe".
Địa đạo ra rạp và nhận phản hồi tốt, Khánh Ly cảm động nhưng cũng bối rối. Cô bày tỏ: "Có người hỏi tôi trở thành diễn viên phim trăm tỷ là cảm giác thế nào. Tôi không thấy gì đặc biệt, vì mỗi diễn viên không chỉ dừng lại ở một phim, tôi cần rất nhiều thứ để đi đường dài với nghề diễn. Ba Thái Hòa cũng qua nhiều năm mới có được sự công nhận của công chúng, nhưng ba vẫn đi tìm sự ghi nhận từ bên trong mình. Làm diễn viên, tôi nghĩ phải tỉnh táo trước những lời khen và chọn lọc khi đọc lời chê. Thành quả của Địa đạo dành cho bác Chuyên và những người vất vả đứng sau ống kính".
Là cựu chiến binh, ông ngoại Khánh Ly tự hào về cháu gái. Tuổi cao, sức khỏe không cho phép đến rạp chiếu nhưng ở quê nhà, ông đọc báo về tác phẩm của Ly mỗi ngày. Thấy Khánh Ly có phim ra rạp và thi thoảng xuất hiện trong các mẫu quảng cáo, ông bà nội hiểu hơn cho công việc của cô, quan hệ gia đình được cải thiện.
Nhìn lại hành trình khôn lớn, Khánh Ly biết ơn những gian truân cho cô khả năng thích nghi các thử thách của vai diễn. Ngày mẹ còn sống, cô từng thổ lộ muốn làm diễn viên, mong mẹ cho tiền đi học. Từ những bước chân đầu tiên vừa đi vừa dò đường, cô tâm niệm: "Có lẽ ở trên cao, mẹ đã dẫn lối cho tôi".
Phong Kiều
Đọc bài gốc tại đây.