Các triệu chứng cảnh báo đột quỵ ở người trẻ

25/04 00:04
 

Nghiên cứu cho thấy thế hệ Millennials và Gen Z có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu thường xuyên bị đau nửa đầu.

Millennials và Gen Z là những người sinh từ năm 1980 đến năm 2010. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảo hiểm y tế của Colorado từ năm 2012 đến năm 2019, gồm 2.600 người bị đột quỵ với hơn 7.800 người không bị đột quỵ.

Theo nghiên cứu, các yếu tố nguy cơ không quen thuộc, chẳng hạn đau nửa đầu, rối loạn đông máu, suy thận và các bệnh tự miễn có liên quan đến khả năng đột quỵ ở người dưới 45 tuổi.

Các chuyên gia phát hiện đau nửa đầu là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ quan trọng nhất ở những người dưới 35 tuổi, dẫn đến 20% số ca đột quỵ ở nam giới và gần 35% ở phụ nữ.

Đau nửa đầu là chứng rối loạn thần kinh, thường có đặc điểm là đau đầu dữ dội. Theo Tổ chức Đau nửa đầu Mỹ, ít nhất 40 triệu người dân sống chung với tình trạng này. Hơn 795.000 người Mỹ bị đột quỵ mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Tác giả chính, Tiến sĩ Michelle Leppert, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Trường Y thuộc Đại học Colorado, cho biết: "Phát hiện này rất có ý nghĩa, vì trước đây, chúng ta thường tập trung vào yếu tố nguy cơ truyền thống và bỏ qua các triệu chứng khác. Trong khi đó, cả hai đều quan trọng trong việc chẩn đoán đột quỵ ở người trẻ tuổi".

Các yếu tố nguy cơ truyền thống liên quan đến đột quỵ bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường type 2, sử dụng thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể chất, lạm dụng rượu và bệnh tim mạch vành.

Theo tiến sĩ Leppert, người bệnh đột quỵ ở độ tuổi càng trẻ, yếu tố nguy cơ phi truyền thống của họ càng cao. Vì vậy, bà cho rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu rõ hơn về các triệu chứng này để có thể giúp họ phòng ngừa. Nghiên cứu mới cho thấy các triệu chứng truyền thống đạt đỉnh điểm ở người trưởng thành từ 35 đến 44 tuổi, chiếm gần 33% số ca đột quỵ ở nam giới và 40% ở nữ giới.

Trong số những người từ 45 đến 55 tuổi, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ đột quỵ truyền thống quan trọng nhất.

Thục Linh (Theo NY Post)

Đọc bài gốc tại đây.