Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ dịp Tết

23/01 16:00
 

Giữ môi trường sống sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, ăn đủ chất, giữ ấm giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp trong dịp Tết.

Theo dự báo khí tượng, vào dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc có thể đón không khí lạnh. Hệ hô hấp của trẻ nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường như khói bụi, ô nhiễm, thuốc lá hoặc thay đổi thời tiết đột ngột. Bác sĩ Lê Anh Trọng, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn cách bảo vệ hệ hô hấp của bé.

Giữ ấm cơ thể

Thời tiết lạnh là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề hô hấp như cảm lạnh, ho, sổ mũi... Cha mẹ giữ ấm cho trẻ, nhất là ở các bộ phận như cổ, ngực, bàn tay, bàn chân... Trẻ cần mặc áo ấm phù hợp với thời tiết, đeo khăn quàng cổ, đội mũ khi ra ngoài. Cha mẹ cho bé mặc nhiều lớp áo để dễ dàng cởi bớt khi nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm, trong nhà cũng như ngoài trời.

Cha mẹ tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, sau khi tắm lau khô, mặc quần áo ngay. Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn khi nhiệt độ xuống thấp.

Tăng cường sức đề kháng

Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường khả năng đề kháng, phòng ngừa các bệnh hô hấp. Những món ăn Tết thường xào, chiên rán nhiều dầu mỡ. Cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm rau xanh, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi... hỗ trợ hệ miễn dịch. Các bé cũng cần uống đủ nước để duy trì độ ẩm của niêm mạc hô hấp.

Tiêm vaccine đầy đủ

Các loại vaccine như cúm, phế cầu khuẩn hay ho gà đều giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp thường gặp. Cha mẹ cần tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, đầy đủ mũi, đúng thời gian.

Giữ môi trường sống sạch sẽ

Môi trường ô nhiễm, có nhiều khói bụi, khói thuốc lá là tác nhân gây kích ứng đường hô hấp của trẻ. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo không gian sống thông thoáng, sạch sẽ. Trong dịp Tết, gia đình dọn dẹp, tránh để trẻ tiếp xúc với bụi, khói bằng cách đeo khẩu trang. Gia đình có người hút thuốc hoặc có khách hút thuốc cần hút ở khu vực riêng. Vệ sinh đồ chơi và dụng cụ cá nhân của trẻ thường xuyên cũng cần thiết, giúp giảm khả năng lây lan vi khuẩn, virus.

Theo dõi dấu hiệu bất thường

Kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, gia đình nên chuẩn bị một số loại thuốc để sử dụng khi trẻ có các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt... Phụ huynh không sử dụng thuốc kháng sinh cho bé khi không có chỉ định của bác sĩ. Trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt cao quá 39 độ, không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, buồn nôn và nôn, quấy khóc, bỏ ăn... cần được sớm đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám.

Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh

Trong dịp Tết, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, trước khi ăn và sau khi chơi. Trẻ cũng cần duy trì thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ để hồi phục, tái tạo năng lượng, bảo vệ sức khỏe.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.