Chọn măng rõ nguồn gốc, ngâm 2-3 ngày trong nước trước khi chế biến, ăn với lượng vừa phải giúp phòng tránh ngộ độc.
Măng chứa nhiều vitamin A, sắt, canxi, magie... Hàm lượng chất xơ cao giúp phòng táo bón, kiểm soát lượng mỡ máu, cân nặng. Tuy nhiên, chất glucozit trong món ăn này khi nạp vào cơ thể được dạ dày hấp thụ và chuyển hóa thành chất độc axit xyanhydric.
Chuyên viên Nguyễn Thị Quỳnh, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều trường hợp ăn măng bị ngộ độc do không loại bỏ được các chất gây hại trước khi nấu nướng. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn thực phẩm này để bảo vệ sức khỏe.
Chọn măng có nguồn gốc rõ ràng
Chuyên viên Quỳnh khuyên mọi người lựa chọn măng khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không bị nấm mốc, không có dấu hiệu bị mọt, màu vàng nâu hoặc vàng nhạt, đường vân tự nhiên, mùi thơm đặc trưng. Tránh chọn loại có màu sắc tươi sáng, vàng sậm, quá bóng bẩy, đốm trắng, mùi khét.
Loại bỏ chất độc trong thực phẩm
Một số loại măng khô có thể được ngâm tẩm chất bảo quản, phẩm màu công nghiệp. Người ăn loại măng này có thể bị ho, khó thở, ngạt mũi, đau đầu, tức ngực, rối loạn tiêu hóa, gây hại gan và thận.
Để loại bỏ chất độc tự nhiên và hóa chất bảo quản trong măng khô, gia đình cần sơ chế đúng cách trước khi chế biến, nên ngâm măng khô khoảng 2-3 ngày với nước sạch, thay nước thường xuyên 2-3 lần mỗi ngày. Quá trình này giúp chất xyanua tan vào nước và giảm độc tố trong măng. Ngâm măng với nước ấm, nước vo gạo giúp tăng hiệu quả khử độc. Ngâm với nước vôi trong khoảng 24-48 giờ cũng trung hòa xyanua hiệu quả, nhưng cần rửa kỹ để không còn dư lượng vôi trong măng.
Sau khi ngâm, nên luộc măng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 15 phút. Gia đình có thể thêm một ít muối, gừng tươi, phèn chua, chanh hoặc giấm khi luộc để khử độc tốt hơn. Sau khi luộc cần rửa sạch, đổ bỏ nước, xé nhỏ để triệt bỏ độc tố trước khi chế biến. Măng được nấu chín kỹ giúp loại bỏ tối đa độc tố còn sót lại.
Ăn lượng vừa phải
Mọi người hạn chế ăn quá nhiều măng khô vào dịp Tết, nên kết hợp với thực phẩm giàu chất béo lành mạnh hoặc protein như thịt, cá.
Theo chuyên viên Quỳnh, măng khô còn chứa nhiều chất xơ không hòa tan, nếu ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Thực phẩm này cũng không phù hợp với người bệnh gout, sỏi thận, dị ứng, đang cho con bú, rối loạn chức năng tuyến giáp. Người lần đầu ăn măng hoặc có tiền sử dị ứng thực phẩm nên thử trước với lượng nhỏ. Khi có dấu hiệu bất thường sau khi ăn như đau bụng, nổi mẩn ngứa, ho, khó thở, hãy đi khám ngay.
Gia đình không sử dụng hết măng khô trong một lần chế biến nên bảo quản trong túi hút chân không hoặc hộp kín, đặt nơi khô ráo, tránh nấm mốc. Không sử dụng măng có dấu hiệu ẩm mốc hoặc có mùi lạ.
Trịnh Mai
Đọc bài gốc tại đây.